Đầu năm 2023, doanh nghiệp địa ốc trước áp lực hơn chục nghìn tỷ trái phiếu đáo hạn

Thứ tư - 18/01/2023 05:03

Số liệu tổng hợp từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), cho thấy trong năm 2022, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ tổng cộng 420 đợt với trị giá xấp xỉ 244.565 tỷ đồng, chiếm 96% tổng giá trị phát hành, giảm 66% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng là 10.599 tỷ đồng, giảm 65% so với năm trước, chiếm khoảng 4% tổng giá trị phát hành.

Nhóm ngân hàng hiện vẫn dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng giá trị đạt 136.772 tỷ đồng, tương đương 53,6% tổng giá trị phát hành. Kỳ hạn phát hành bình quân của nhóm này là 5,47 năm, lãi suất phát hành trung bình là 5,48%/năm.

Đầu năm 2023, doanh nghiệp địa ốc trước áp lực hơn chục nghìn tỷ trái phiếu đáo hạn - Ảnh 1.

So với năm 2021, số lượng phát hành trái phiếu của nhóm doanh nghiệp bất động sản đã sụt giảm gần 76%, chỉ đạt gần 52.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, nhóm bất động sản đứng ở vị trí thứ hai với 51.979 tỷ đồng, chiếm khoảng 20,4%. So với cùng kỳ năm 2021 ghi nhận hơn 214.000 tỷ đồng, lượng trái phiếu do nhóm doanh nghiệp địa ốc phát hành sụt giảm gần 76%.

Cũng theo VBMA, trong năm 2023, sẽ có khoảng 289.819 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Trong đó, số lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn rơi vào khoảng hơn 119.000 tỷ đồng. Tính riêng tháng 1/2023, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn là gần 17.458 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở nhóm bất động sản và xây dựng.

Cụ thể, tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp bất động sản phải thanh toán 10.500 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, chiếm 60% giá trị trái phiếu doanh nghiệp đến hạn. Còn doanh nghiệp xây dựng phải thanh toán 5.900 tỷ đồng trái phiếu đến hạn, chiếm 34% giá trị trái phiếu đến hạn. Nếu tính cả số lượng trái phiếu mua lại trước hạn, áp lực thanh toán của doanh nghiệp lớn hơn nhiều.

Trong khi đó, theo báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới đây của tổ chức xếp hạng tín nhiệm FiinRatings, thì áp lực đáo hạn trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản vẫn duy trì ở mức đáng kể trong năm 2023 với hơn 119.000 tỷ và năm 2024 gần 112.000 tỷ đồng. Tổ chức này kỳ vọng các biện pháp tái cấu trúc nợ sẽ được thực hiện sớm, nhất là các trái phiếu được phân phối thứ cấp đến nhà đầu tư cá nhân.

Thị trường chứng kiến nhiều hình thức tái cấu trúc nợ khác nhau và được áp dụng ngày càng nhiều bởi các tổ chức phát hành. Một số phương án phổ biến như gia hạn kỳ hạn với lãi suất mới, chuyển đổi thành hợp đồng hợp tác đầu tư hay chuyển đổi sang sản phẩm bất động sản...

"Đây là một dấu hiệu khá tích cực cho vấn đề thanh khoản bởi biện pháp này giúp giải quyết vấn đề áp lực dòng tiền trả nợ trong ngắn hạn trước làn sóng yêu cầu tất toán trước hạn của trái chủ", các chuyên gia nêu quan điểm.

Ninh Phan

Tiền Phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây