Chống thất thu thuế chuyển nhượng bất động sản

Thứ sáu - 04/11/2022 23:03
Chống thất thu thuế chuyển nhượng bất động sản - Ảnh 1.

Ngân sách nhà nước thất thu lớn ở lĩnh vực thuế chuyển nhượng bất động sản. Ảnh: Quang Vinh.

Số thu thuế chuyển nhượng đất đai tăng 96,4%

Báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính cho biết số thu thuế thu nhập từ chuyển nhượng BĐS, nhận thừa kế và nhận quà tặng là BĐS lũy kế 8 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 26,86 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 13,2 nghìn tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng 96,4% so với cùng kỳ năm 2021. Cùng với đó, trên toàn quốc, tính từ đầu năm đến ngày 6/9/2022, lượng hồ sơ khai giá chuyển nhượng cao hơn giá của UBND chiếm 72%, trung bình 1 bộ hồ sơ khai giá cao hơn gần 3 lần so với giá UBND.

Dù số thu thuế chuyển nhượng BĐS tăng nhưng thực tế cho thấy, ý thức tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế của người dân chưa cao; nhận thức chưa đầy đủ về chính sách pháp luật thuế và pháp luật có liên quan; chưa nhận thức được hậu quả khi khai thuế với giá không đúng với giá thực tế chuyển nhượng.

Trường hợp tại phòng công chứng Đỗ Thu Hà, TP Cần Thơ là một ví dụ, hợp đồng giá trị giao dịch thực tế 26 tỷ đồng, nhưng người kê khai nộp thuế chỉ có 5 tỷ đồng và trốn kê khai thuế số tiền 21 tỷ đồng.

Đại diện Cục Thuế TP Cần Thơ cho biết, hành vi trốn thuế của nhiều cá nhân trong kinh doanh BĐS tập trung chủ yếu vào việc ghi giá trị trên hợp đồng công chứng thấp hơn so với giá trị giao dịch thực tế. Sau đó người giao dịch ký thêm phụ lục hợp đồng với giá trị thực tế cao hơn gấp nhiều lần.

Theo giới chuyên gia, ngoài các khó khăn trong việc thu thuế chuyển nhượng BĐS hiện nay, việc quản lý chuyển nhượng BĐS liên quan đến đất đai có nhiều cơ quan quản lý (như: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ xây dựng...). Văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành, dữ liệu về đất đai của các cơ quan quản lý nhà nước chưa được xây dựng đồng bộ, liên thông để trao đổi phục vụ quản lý thông tin liên quan đến đất.

Làm chặt khâu kê khai giá

PGS.TS Lê Xuân Trường - Trưởng khoa Thuế - Hải quan, Học viện Tài chính phân tích, gốc rễ của tình trạng thất thu thuế ở lĩnh vực chuyển nhượng BĐS là vấn đề kê khai của người nộp thuế (NNT) về giá chuyển nhượng BĐS để tính thuế và quyền hạn của cơ quan thuế trong xác định giá tính thuế.

Theo quy định, NNT kê khai giá chuyển nhượng BĐS làm căn cứ tính thuế. Nếu cơ quan thuế nghi ngờ NNT kê khai không đúng giá thực tế chuyển nhượng thì có 3 cách thức xử lý: Yêu cầu NNT giải trình theo quy định pháp luật về quản lý thuế; Ấn định thuế trên cơ sở dữ liệu giá thị trường của cơ quan thuế; Xác định giá tính thuế không thấp hơn giá do UBND cấp tỉnh quy định.

Xuất phát từ lợi ích của mình, hầu hết NNT đều kê khai giá chuyển nhượng làm căn cứ tính thuế thấp hơn giá thực tế thanh toán. Trong thực tiễn, giao dịch của NNT chủ yếu thanh toán bằng tiền mặt, cơ quan thuế không trực tiếp giám sát quá trình giao dịch và thanh toán của NNT.

Để có cơ sở yêu cầu giải trình hoặc ấn định thuế, cơ quan thuế cần có cơ sở dữ liệu về giao dịch chuyển nhượng BĐS phù hợp với từng giao dịch BĐS cụ thể. Trong khi đó, cơ sở dữ liệu chung về thị trường BĐS do cơ quan nhà nước có thẩm quyền và cơ quan thuế chưa có hệ thống và chưa đầy đủ. Thêm vào đó, BĐS là hàng hóa có tính cá biệt cao, không dễ để tìm các giao dịch tương đồng làm căn cứ ấn định thuế.

Việc yêu cầu NNT giải trình dựa trên mặt bằng giá chung của thị trường cũng chỉ có thể thuyết phục NNT kê khai lại giá chuyển nhượng tăng thêm phần nào mà không phải là căn cứ bắt buộc NNT kê khai đúng với giá thực tế giao dịch.

Như vậy, trong phần lớn các trường hợp, cơ quan thuế chỉ có thể xác định giá tính thuế theo giá do UBND cấp tỉnh quy định, mà thực tế cho thấy giá do UBND cấp tỉnh quy định thường thấp hơn rất nhiều do với giá giao dịch trên thị trường.

Theo ông Trường, giải pháp để chống thất thu thuế lĩnh vực này là thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Theo đó, cần bỏ khung giá đất do Chính phủ quy định và sửa đổi, bổ sung các quy định về nguyên tắc, phương pháp, quy trình và thẩm quyền xác định giá đất để bảng giá đất do các địa phương quy định sát hơn với giá thị trường.

Theo thông lệ quốc tế, việc xác định giá đất làm căn cứ tính thuế tương đương khoảng 70% giá thị trường thực tế là thành công. Giải pháp cần thiết là cơ quan thuế phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về thị trường BĐS làm căn cứ xác định giá tính thuế.

Thêm vào đó, trong thời gian tới đây, khi nghiên cứu sửa đổi Luật Quản lý thuế, cần nghiên cứu bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế, để có thể áp dụng các biện pháp nghiệp vụ điều tra đặc thù phát hiện gian lận và xử lý gian lận trong kê khai, xác định giá tính thuế đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS.

Mua bán bất động sản trên thị trường (trừ trường hợp mua bán nội bộ gia đình) bắt buộc phải có một cơ quan thẩm định giá độc lập. Ngoài ra, phải có chế tài mạnh xử lý việc khai chênh lệch giá quá cao. Đặc biệt các thông tin về giá bất động sản phải được công bố rộng rãi, định kỳ trên cổng thông tin của các bộ, ngành, địa phương, làm căn cứ để các cơ quan chức năng và người mua, bán biết, kê khai giá sát với thực tế - theo TS Nguyễn Minh Phong.

Theo H.Hương - M.Sang

Đại đoàn kết

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây