Vắng khách, môi giới bất động sản “ngồi chơi” sau tết

Thứ tư - 01/02/2023 19:03

Thông thường, thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán là lúc thị trường bất động sản diễn biến sôi động, giá liên tục tăng mạnh. Thậm chí, liên tục các cơn “sốt đất” lớn nhỏ sẽ xảy ra. Chỉ một năm trước, cơn sốt đất nền đã bùng lên mạnh mẽ tại nhiều địa phương. Bắt nguồn từ thời điểm cuối năm 2021, Chính phủ thúc đẩy đầu tư công và hàng loạt công trình hạ tầng trọng điểm tại nhiều địa phương được phê duyệt, đẩy mạnh đầu tư.

Cùng với mức lãi suất khi đó rất hấp dẫn là lý do khiến các cơn sốt đất âm ỉ từ cuối năm 2021 lan rộng hơn vào đầu năm 2022. Các cơn sốt đất lúc ấy diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước như Bắc Giang, Bắc Ninh, vùng ven hà Nội, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Khánh Hòa,...

Nhìn lại đầu năm 2022, anh Nguyễn Văn Tú, môi giới bất động sản tại vùng ven Hà Nội chia sẻ: “Mới chỉ mùng 2 Tết Nguyên đán năm 2022, nhà đầu tư đã liên tục liên hệ nhờ tôi dẫn đi xem đất. Nhiều người vì sợ mất hàng nên chốt cọc rất nhanh chỉ chưa đầy 1 giờ đồng hồ. Có những ngày, tôi có tới 3 giao dịch thành công”.

Tuy nhiên, tất cả chỉ còn là câu chuyện ở quá khứ, khi năm nay thị trường vẫn trong cảnh ảm đạm bắt đầu từ giữa năm 2022. Nhiều văn phòng môi giới dù đã khai xuân 1 tuần nhưng vẫn chưa có vị khách nào ghé tới.

Anh Nguyễn Thanh Long, chủ một phòng môi giới bất động sản tại vùng ven Hà Nội chia sẻ, đầu năm ngoái thị trường diễn biến rất nóng, người mua, người bán rất tấp nập từ sớm. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư còn tranh thủ đi giao dịch bất động sản vào buổi tối.

“Năm nay thị trường diễn biến đã khác, không còn cảnh nhà đầu tư nô nức đi xem, giao dịch đất. Thay vào đó, thị trường diễn biến rất trầm lắng. Dù đã khai xuân 1 tuần nay nhưng vẫn chưa có khách hàng nào tới văn phòng của tôi. Chỉ có một vài người liên hệ hỏi về giá bán hiện nay, nhưng cũng không thấy hẹn ngày tới”, anh Long nói.

Vắng khách, môi giới bất động sản “ngồi chơi” sau tết - Ảnh 1.

Còn anh Trần Hùng, môi giới bất động sản tại Hà Nội cho biết, đầu năm thường là thời điểm lượng thanh khoản lên cao, tuy nhiên, năm nay thanh khoản ngày càng đi xuống.

“Cuối năm 2022, mỗi tháng văn phòng tôi có 2 - 3 giao dịch, nhưng giờ hết tháng 1/2023 nhưng vẫn chưa có thêm giao dịch nào thành công. Đầu năm, chúng tôi cũng đẩy mạnh chạy quảng cáo và nhiều hình thức tiếp thị khác nhưng càng làm càng chỉ thấy tốn thêm chi phí”, người môi giới này nói.

Hiện nay, lượng người bán đang nhiều hơn người mua nên rất khó tìm được khách hàng. Bên cạnh đó, tâm lý nhà đầu tư bất động sản đang e dè, sợ rằng nếu hôm nay giá có thể còn giảm nên chưa xuống tiền. Kéo theo thanh khoản trên thị trường đã thấp càng thấp hơn.

Anh Vũ Công Vinh, nhà đầu tư lâu năm tại Hà Nội cho rằng, nguồn cung tiền đang gặp khó khăn kéo theo thanh khoản đi xuống. “Người mua bất động sản, đa phần cũng chỉ có đủ khoảng 40 - 50% lượng tiền, còn lại là sẽ vay ngân hàng. Trong khi đó, kênh vốn này đang bị kiểm soát chặt nên khó sử dụng. Cùng đó, lãi suất ngân hàng đang neo cao nên dù dễ vay người mua nhà cũng sẽ cân nhắc tới việc sử dụng đòn bẩy”, anh Vinh nói.

Trong khi đó, nhưng người có sẵn tiền mặt hiện nay đều trong trạng thái chờ đợi thị trường xuất hiện tín hiệu mới. Bên cạnh đó, để an toàn nhiều người sẽ gửi ngân hàng để hưởng lãi suất cao. Do vậy, thị trường thời gian này vẫn sẽ có nhiều khó khăn, đặc biệt là thanh khoản.

“Sau khoảng 3 - 6 tháng kể từ khi Chính phủ đưa ra những giải pháp cụ thể để tháo gỡ cho thị trường bất động sản thì mới có chuyển biến. Khi đó, thanh khoản sẽ từ vực dậy, giúp thị trường cân bằng trở lại”, anh Vinh nói.

Minh Tâm

Nhịp sống thị trường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây