Quy định thời hạn sở hữu chung cư có thể gây tâm lý bất an cho chủ sở hữu

Thứ ba - 14/03/2023 23:03

Ngày 14/3, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phản biện xã hội dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ các quy định của Dự thảo Luật về các vấn đề liên quan đến bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân trong xây dựng và thực hiện các chính sách phát triển nhà ở, về quyền có chỗ ở và quyền sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân, về phát triển nhà ở và nhà ở xã hội.

Đánh giá kỹ các tác động tích cực, tiêu cực của mỗi nội dung sửa đổi, bổ sung, nhất là các quy định liên quan tới các quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền có chỗ ở đã được các văn kiện của Đảng và Hiến pháp năm 2013 ghi nhận.

Qua rà soát các quy định của dự thảo luật cho thấy, vẫn còn một số quy định về bảo đảm quyền sở hữu nhà ở, về chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư. Rà soát các quy định bảo hộ quyền sở hữu nhà ở, đảm bảo quyền không bị phá dỡ nhà ở một cách bất hợp pháp, quyền được khôi phục nhà ở thông qua các quy định về tái định cư, xây dựng lại nhà chung cư sau phá dỡ.

Nội dung về sở hữu nhà chung cư, thời hạn sở hữu nhà chung cư cơ quan chủ trì soạn thảo đưa ra hai phương án tại Điều 25 dự thảo Luật:

Phương án 1: Bổ sung mới quy định về sở hữu nhà chung cư.

Phương án 2: Không quy định về sở hữu nhà chung cư.

Ban Thường trực cho rằng, việc quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư và quy định về chấm dứt quyền sở hữu chung cư cần được cân nhắc kỹ để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và thống nhất, đồng bộ với quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015.

Theo đó, nhà ở chung cư là tài sản lớn, sở hữu lâu dài, gắn liền với đất mà người mua được sở hữu và quyền sở hữu nhà ở được Nhà nước ghi nhận, bảo vệ, bảo đảm theo quy định của Hiến pháp năm 2013.

Khi cá nhân xác lập quyền sở hữu về nhà ở đối với một căn hộ chung cư cụ thể thì quyền sở hữu đó được bảo vệ, quyền lợi về chỗ ở và sở hữu đối với nhà ở của người mua được bảo hộ và chỉ bị giới hạn trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013.

"Do đó việc quy định thời hạn sở hữu, nếu không xử lý tốt sẽ ảnh hưởng lớn tới thị trường bất động sản về nhà chung cư của người dân, gây tâm lý bất an cho các chủ sở hữu nhà chung cư trong xã hội", Ban Thường trực cho biết.

Quy định thời hạn sở hữu chung cư có thể gây tâm lý bất an cho chủ sở hữu - Ảnh 1.

Theo Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư nếu không xử lý tốt sẽ gây tâm lý bất an cho các chủ sở hữu (Ảnh minh hoạ)

Cũng theo Ban Thường trực, mặc dù mục tiêu hướng đến là bảo đảm sự an toàn về tính mạng, sức khỏe của người dân, lợi ích cộng đồng, nhưng lấy thời hạn của công trình xây dựng nhà ở cụ thể làm cơ sở để xác lập quyền và chấm dứt quyền sở hữu nhà ở trong khi Nhà nước có công cụ khác để đảm bảo mục tiêu này là chưa phù hợp.

Ban Thường trực cho rằng cần phải làm rõ, khi thời hạn sử dụng nhà chung cư đã hết và nhà chung cư buộc phải tháo dỡ để bảo đảm an toàn cho cư dân thì quyền sở hữu chung cư của chủ sở hữu vẫn được pháp luật bảo hộ. Trong đó, thực hiện thông qua việc xác lập quyền sở hữu đối với phần diện tích tương tự tại nhà chung cư được xây dựng lại hoặc bằng phương thức khác do các bên thỏa thuận.

Đồng thời, việc sử dụng một quyết định hành chính của UBND cấp tỉnh để "thông báo" việc phá dỡ nhà chung hết thời hạn sử dụng sẽ chấm dứt quyền sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân cũng là vấn đề không phù hợp.

Việc này không tương xứng với cơ chế xác lập quyền sở hữu, không gắn liền với trách nhiệm của nhà đầu tư, doanh nghiệp xây dựng công trình và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở sở hữu nhà chung cư bị phá dỡ.

Theo Thùy An

VTV.VN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây