Hà Nội xốc lại nhà công

Thứ năm - 01/12/2022 04:03
Hà Nội xốc lại nhà công - Ảnh 1.

Khu đất 281 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội thuộc sở hữu nhà nước do Công ty TNHH MTV Quản lý nhà Hà Nội quản lý, có một số vi phạm. Ảnh: Quang Vinh.

Thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện quỹ nhà chuyên dùng trên địa bàn còn 838 địa điểm với 178.148m2 diện tích nhà và 155.156m2 diện tích đất; trong đó 801 địa điểm tập trung chủ yếu tại 4 quận nội thành do Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội quản lý cho thuê; các địa điểm còn lại do UBND quận Hà Đông, thị xã Sơn Tây và Công ty TNHH MTV Kinh doanh và Dịch vụ nhà Hà Nội quản lý, sử dụng cho thuê.

Còn nhiều lãng phí

Giám sát của HĐND TP Hà Nội, trong khoảng 400 địa điểm nhà chuyên dùng thuộc phân loại quản lý cho thuê vẫn thực hiện thu nộp tiền thuê nhà do Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội quản lý, thực tế chỉ có 1 địa điểm tại 41 Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm) còn hạn hợp đồng thuê nhà, đất; 5 địa điểm được UBND TP chấp thuận cho thuê không phải trả tiền thuê nhà, đất. Còn lại, toàn bộ các địa điểm đã hết thời hạn thuê, đến nay vẫn chưa thực hiện gia hạn cho thuê.

HĐND TP Hà Nội cũng nhận thấy, nhiều địa điểm, nhiều diện tích sử dụng không đúng quy định với các hình thức như: Chuyển diện tích cho thuê làm cơ sở kinh doanh, dịch vụ sang làm nhà ở; sử dụng sai mục đích; không ký hợp đồng thuê nhà, tự ý chuyển nhượng nhà thuê cho đối tượng khác, cho thuê lại để hưởng chênh lệch; liên doanh, liên kết trái phép.

Cụ thể, qua khảo sát thực địa cho thấy, tại tòa N01, ngõ 84 phố Chùa Láng, toàn bộ khu vực kinh doanh dịch vụ bị các hộ dân chiếm dụng từ năm 2016, Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội không xác định được đối tượng thuê và không thu được tiền thuê từ diện tích này. Số nhà 36 phố Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm) thuộc quỹ nhà chuyên dùng đã được đơn vị thuê là Công ty Xuất nhập khẩu tạp phẩm cải tạo, xây dựng lại sai phép. Hiện trạng có 3 cửa hàng kinh doanh trên mặt tiền phố Bà Triệu, phía sau lưng cửa hàng là nhà các hộ dân sinh sống. Hợp đồng thuê nhà ký với Công ty Xuất nhập khẩu tạp phẩm đã hết hiệu lực, công ty đang nợ tiền thuê. Ngoài ra, 3/5 địa điểm nhà, đất của Công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội được UBND TP cho thuê nhà, đất để sử dụng làm cơ sở chiếu phim và các dịch vụ văn hóa đều cho thuê lại và sử dụng sai mục đích (số 88 Lò Đúc, 437 Bạch Mai, 211 phố Khâm Thiên).

Báo cáo cũng nêu thực tế, nhiều địa điểm nhà đất có vị trí, lợi thế thương mại giá trị cao không được đưa vào khai thác sử dụng phát huy hiệu quả mà lại đóng cửa, không kinh doanh khai thác, gây lãng phí tài nguyên và nguồn lực xã hội. Đánh giá của HĐND TP Hà Nội chỉ rõ: Các địa điểm nhà chuyên dùng, nhà ở thuộc sở hữu nhà nước bị bỏ trống trong thời gian dài dẫn đến nhiều công trình nhà xuống cấp, hư hỏng, nguy hiểm. Điều này cho thấy việc điều tiết, trách nhiệm quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước và việc khai thác, kinh doanh của Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội chưa hiệu quả, gây lãng phí tài sản nhà nước.

Về nguyên nhân, theo xác định của UBND TP Hà Nội là do một số tổ chức, cá nhân thuê nhà tự ý liên doanh, liên kết, cho thuê lại nhà thuê của nhà nước; tự ý xây dựng, cải tạo trên diện tích đất của quỹ nhà chuyên dùng khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Chất vấn về công tác quản lý, khai thác, sử dụng quỹ nhà, đất thuộc quản lý nhà nước trên địa bàn, đại biểu HĐND TP Hà Nội Đàm Văn Huân chỉ rõ, qua giám sát còn nhiều vấn đề cần khắc phục, vấn đề nợ nghĩa vụ tài chính của các tổ chức cá nhân sử dụng nhà chuyên dùng trên địa bàn thành phố hiện đang là vấn đề nóng. Qua giám sát, số tiền nợ thuê nhà chuyên dùng hiện khoảng 1.200 tỷ, xu hướng tăng trong những năm gần đây nhưng thành phố chưa thu hồi được. Do đó cần xác định nguyên nhân, giải pháp, tiến độ thu hồi.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức cũng cho rằng, công tác quản lý tài sản công, nhà đất, qua giám sát đã cho thấy bức tranh đa màu sắc, bên cạnh những kết quả đã đạt được nó vẫn bộc lộ những khó khăn, bất cập. TP Hà Nội đã có văn băn yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý tài sản công nhưng đến nay quy chế sử dụng, đấu giá nhà chuyên dùng vẫn chưa được ban hành, đơn giá thuê nhà 10 năm vẫn chưa được thay đổi.

Hà Nội xốc lại nhà công - Ảnh 2.

Tòa N01, ngõ 84 phố Chùa Láng, toàn bộ khu vực kinh doanh dịch vụ bị các hộ dân chiếm dụng từ năm 2016. Ảnh: Quang Vinh.

Xử lý dứt điểm trong năm 2023

Về những tồn tại liên quan đến quỹ nhà tầng 1 tại các khu tái định cư, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, đối với 15.000m2 đang để trống, có khoảng 4.800m2 do đấu giá thuê không thành công. Hiện Sở đã thu hồi tại 28 điểm do không nộp tiền thuê, sử dụng sai mục đích.

Đưa ra giải pháp đối với 424 căn hộ tái định cư trống, ông Phong cho biết, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ tiếp tục đôn đốc rà soát và xử lý thu các trường hợp chưa nộp, dự kiến năm 2022 cơ bản xử lý xong vi phạm. Trường hợp cố tình chây ì không nộp tiền hoặc ký hợp đồng mua nhà, Sở sẽ kiến nghị chuyển sang cơ quan điều tra để làm rõ. Trong trường hợp vi phạm chiếm dụng tài sản nhà nước thì phải xử lý theo quy định.

Liên quan đến số nợ đọng tiền thuê nhà, đất chuyên dùng, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu cho rằng, đây là vấn đề kéo dài và cần lộ trình xử lý. Do đó Sở sẽ rà soát, áp các quy định của pháp luật, nếu có khả năng thu sẽ tiến hành thu nợ. Trường hợp không có khả năng chi trả sẽ áp dụng các quy định để xử lý.

Từ nhiều vấn đề tồn tại, bất cập trong quản lý, sử dụng quỹ nhà đất chuyên dùng, HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 16/2022 yêu cầu UBND thành phố chấp hành thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các kết luận, kiến nghị của đoàn giám sát.

Để thực hiện Nghị quyết trên, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 297 khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước sử dụng vào mục đích kinh doanh dịch vụ, trụ sở làm việc và các mục đích khác không phải để ở trên địa bàn. Theo đó, UBND thành phố giao Sở Xây dựng, Sở Tài chính chủ trì cùng Công an, Thanh tra, Cục Thuế, Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, UBND quận, huyện, thị xã (nơi có nhà, đất) tổ chức xử lý vi phạm, thu hồi lại nhà chuyên dùng sử dụng không đúng quy định hoàn thành trong năm 2023; Tổ chức truy thu toàn bộ khoản nghĩa vụ tài chính do tổ chức, cá nhân còn nợ đọng; Lập hồ sơ xử lý đối với trường hợp chây ì. Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra định kỳ, chuyên đề và đột xuất việc chấp hành quy định về quản lý, sử dụng quỹ nhà chuyên dùng thuộc phạm vi quản lý của thành phố để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý vi phạm.

Lãnh đạo UBND thành phố yêu cầu, trước mắt phải thống kê, phân loại quỹ nhà chuyên dùng theo nhóm và mức độ vi phạm; lập kế hoạch xử lý, khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế. Đặc biệt, trong năm 2023, các ngành chức năng phải hoàn thành việc truy thu các khoản nghĩa vụ tài chính còn nợ đọng và thu hồi toàn bộ các địa điểm nhà, đất bị chiếm dụng, cho thuê trái phép.

Nếu phát hiện các trường hợp vi phạm, các sở, ngành phải làm rõ trách nhiệm. Tùy theo mức độ vi phạm, các sở, ngành xử lý trách nhiệm hoặc đề xuất xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân, vi phạm, để xảy ra vi phạm, trách nhiệm của người đứng đầu. Đối với các trường hợp vi phạm phải xử lý hình sự thì chuyển Công an thành phố điều tra, xử lý đối với tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Anh Trí đánh giá cao kết quả báo cáo giám sát của HĐND TP Hà Nội và cho biết báo cáo giám sát này cũng được Quốc hội đề cập trong báo cáo giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 vừa qua.

“Nhiều cơ quan đã sử dụng nhà đất sai mục đích khi cho thuê kinh doanh với lý do nhu cầu sử dụng không hết. Không có nhu cầu sử dụng nhiều, vậy tại sao lại xây to thế? Trong khi đó có những bệnh viện, bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo phải 3 người nằm 1 giường. Rất đau xót!” - ông Trí nói và thêm rằng, giám sát của HĐND chính là “giám sát tối cao” của địa phương. Do đó UBND TP Hà Nội và các cơ quan bị nhắc nhở trong báo cáo giám sát phải thực thi kết quả giám sát. Bởi đất đai sử dụng không đúng mục đích, công năng là vô cùng lãng phí, tạo sự mất công bằng trong xã hội.

Hà Nội xốc lại nhà công - Ảnh 3.

Theo ông Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, nhiều cơ sở nhà đất công sử dụng không hết công năng theo mục đích được giao mà cho thuê là thực trạng được Quốc hội chỉ ra qua giám sát tại nhiều bộ, ngành, địa phương. Nhiều nơi sử dụng khác so với mục đích ban đầu. Trách nhiệm chính trong quản lý nhà nước về công sản là Bộ Tài chính và UBND các cấp. Do đó cần phải rà soát thống kê lại toàn bộ các tài sản công là cơ sở nhà đất xem sử dụng đúng mục đích bao nhiêu %, bao nhiêu % không sử dụng hoặc sử dụng vào mục đích khác?. Từ đó có phương án bố trí, sắp xếp, phân bổ lại để sử dụng cho hiệu quả.

Ông Lâm nhấn mạnh, quản lý tài sản gắn với trách nhiệm cá nhân. Khi kiểm tra thấy sai với mục đích sử dụng, để thất thoát, lãng phí thì phải chịu trách nhiệm. Việc xử lý cần có thời hạn gắn với trách nhiệm cá nhân để qua đó phát huy hiệu quả sử dụng tài sản đất đai, đóng góp vào quá trình tăng trưởng phát triển kinh tế xã hội của địa phương, của đất nước. "Đất vàng mà để hoang, lãng phí, sử dụng sai mục đích. Cho nên cần phải xử lý triệt để, hạn chế tiêu cực, tăng cường củng cố niềm tin của nhân dân đối với chính quyền trong quản lý, sử dụng các tài sản công của đất nước" - ông Lâm nói.

Theo H.Vũ

Đại đoàn kết

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây