Đô thị phải quay mặt ra sông
Tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII vừa qua, ông Dương Đức Tuấn trình bày Tờ trình về việc đề nghị xem xét, thông qua chủ trương “Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”.
Hà Nội xác định sông Hồng là trục cảnh quan trung tâm thành phố trong tương lai. Ảnh: PV
Theo ông Tuấn, mục tiêu điều chỉnh quy hoạch nhằm xây dựng và thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách để thành phố phát triển thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị. Cùng với đó, sẽ sử dụng các công cụ quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các công cụ thị trường khác để điều tiết, kiểm soát chặt chẽ sự gia tăng dân số đô thị; thực hiện đồng bộ các chính sách giải nén, giảm tải cho đô thị, đưa người dân ra các đô thị xung quanh, thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh, mô hình thành phố trực thuộc thành phố.
Điều chỉnh quy hoạch còn nhằm quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng tại khu vực trung tâm; ưu tiên phát triển các đô thị nhỏ và vùng ven đô để hỗ trợ phát triển nông thôn thông qua các mối liên kết đô thị - nông thôn. Đáng chú ý, điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 xác định sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm; phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của Hà Nội.
Về phát huy tiềm năng đất bãi sông Hồng, tránh lãng phí nguồn lực tại cuộc tiếp xúc cử tri Mê Linh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, thành phố đang làm Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch vùng huyện, Quy hoạch phân khu, tinh thần chung là “đẩy” sông Hồng vào giữa thành phố. “Tư tưởng này có từ thời trước, nhưng đang làm quá chậm”, ông Thanh nói, đồng thời cho biết, hiện thành phố đang nằm lệch về một bên.
Cũng theo ông Thanh, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo “làm gì thì làm, nhưng phải quay mặt ra sông. Chúng ta hiện nay quay phía hậu ra sông, kể cả sông Hồng, sông Đuống và các con sông khác. Đô thị phải quay mặt ra sông. Câu chuyện làm quy hoạch, triển khai các dự án phải giữ được quan điểm này”, ông Thanh nhấn mạnh.
Vượt khó khăn
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở QH&KT Hà Nội cho biết, chủ trương quy hoạch sông Hồng trở thành trục cảnh quan trung tâm thành phố đã có từ năm 1992, khi thành phố Seoul (Hàn Quốc) phối hợp với Hà Nội nghiên cứu quy hoạch phát triển hai bên sông Hồng.
Hội Khoa học Thuỷ lợi và một số đơn vị tư vấn, hội nghề nghiệp cũng đã có nghiên cứu quy hoạch hai bên sông Hồng nhưng không thực hiện được. “Tính ra, đã có đến hơn 10 dự án của các cơ quan nghiên cứu, hợp tác trong và ngoài nước về quy hoạch sông Hồng nhưng chưa thực hiện được”, ông Nghiêm nói.
Ông Nghiêm phân tích, có một số nguyên nhân gây khó khăn cho triển khai quy hoạch sông Hồng. Theo đó, hành lang thoát lũ vẫn còn nhiều vướng mắc. “Qua nghiên cứu lịch sử, cứ 100 - 150 năm sông Hồng biến đổi thế sông một lần. Vì thế, phải tìm ra thế sông hiện nay như thế nào để ổn định và đón được tương lai. Đó là vấn đề khó khăn, bởi chưa có số liệu khí tượng thuỷ văn từ thượng nguồn.
Quan trọng nhất, theo ông Nghiêm, thực hiện quy hoạch hai bên sông Hồng cần rất nhiều nguồn lực vật chất. Năm 1995, nghiên cứu của Seoul cho thấy, để thực hiện quy hoạch và giãn dân hết khoảng 7 tỷ đô la. Đến nay, số tiền đó phải gấp nhiều lần.
Theo Chủ tịch Hà Nội, để thực hiện “sông Hồng trở thành trung tâm”, phải mất vài nhiệm kỳ. “Không phải làm được ngay, nhưng trước mắt phải giữ được các con sông này, nếu làm “lung tung” thì sẽ nát hết”, ông Thanh nói, đồng thời cho biết, phải giải các bài toán, xung đột giữa nhiệm vụ bảo vệ đê điều, thoát lũ, phát triển kinh tế xã hội, đòi hỏi sự vào cuộc của các bộ, ngành và thành phố.