Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Đèo Cả báo cáo đề xuất dự án với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Ngọc Hải
Chiều 30/11, CTCP Tập đoàn Đèo Cả đã có buổi làm việc để báo cáo đề xuất dự án tuyến đường du lịch kết nối TP. Đồng Hới và Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia (VQG) Phong Nha- Kẻ Bàng.
Theo đề xuất của CTCP Tập đoàn Đèo Cả, tuyến đường du lịch kết nối TP. Đồng Hới và Di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha- Kẻ Bàng có quy mô 6 làn xe, chiều dài 20km với điểm đầu là đường Trương Pháp, TP. Đồng Hới và điểm cuối giao với đường Hồ Chí Minh tại Km974+400 thuộc xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch. Tổng vốn đầu tư của tuyến đường là 2.815 tỷ đồng, phương án đầu tư theo phương thức PPP.
Theo đó, mục tiêu của dự án nhằm tạo không gian để phát triển kinh tế xã hội của TP. Đồng Hới và huyện Bố Trạch; tạo điều kiện để kết nối từ cao tốc Bùng-Vạn Ninh vào tới trung tâm TP Đồng Hới và đi biển Bố Trạch, phát huy thế mạnh về điều kiện tự nhiên của tỉnh Quảng Bình; quảng bá, thúc đẩy du lịch biển đối với du khách trong và ngoài nước. Trong đó, đặc biệt là phát huy hết tiềm năng của các bãi biển dài và đẹp tại xã Quang Phú (TP. Đồng Hới) và xã Trung Trạch, Đại Trạch, Nhân Trạch (huyện Bố Trạch).
Trao đổi với đề xuất của nhà đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng khẳng định, đây là dự án hết sức cần thiết, tạo thuận lợi cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đồng thời, việc triển khai dự án sẽ đảm bảo kết nối giao thông, định hướng phát triển du lịch, đô thị của huyện Bố Trạch và TP. Đồng Hới. Do vậy, đề nghị CTCP Tập đoàn Đèo Cả cần phối hợp với tỉnh tính toán lại, làm sao có được phương án tối ưu nhất về hướng tuyến để tiết kiệm đầu tư; đồng thời không làm ảnh hưởng đến khu vực Di sản VQG Phong Nha-Kẻ Bàng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng cơ bản thống nhất với phương án ban đầu của nhà đầu tư về phương án thực hiện dự án. Theo đó, cách làm tuy mới nhưng tính khả thi rất cao.
"Việc xây dựng tuyến đường theo phương thức đầu tư mới sẽ góp phần tạo ra thay đổi trong phát triển mạnh mẽ về du lịch, đô thị, kết nối hạ tầng của TP. Đồng Hới với Di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha-Kẻ Bàng trong tương lai gần, khai thác, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương", Bí thư Tỉnh uỷ Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.
Nhằm hỗ trợ nhà đầu tư, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối, cùng với các sở, ngành, địa phương liên quan nhanh chóng phối hợp với nhà đầu tư để tiến hành các bước thủ tục liên quan trình UBND tỉnh xem xét, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương về việc triển khai thực hiện dự án.
Được biết, bên cạnh đề xuất tuyến đường du lịch kết nối TP. Đồng Hới và Di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha- Kẻ Bàng, hiện nay Tập đoàn Đèo Cả đang đầu tư và triển khai nhiều dự án đường bộ, hầm đường bộ khác trên cả nước như: Thi công Hầm Trường Vinh thuộc gói thầu XL01 - dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu (đi qua Thanh Hoá- Nghệ An) với tổng mức đầu tư hơn 4.700 tỷ đồng; đầu tư cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo (đi qua ba tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận), tổng vốn đầu tư 8.925 tỷ đồng…
Ngoài dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Tập đoàn Đèo Cả cũng đang thực hiện các thủ tục trình lên cấp trên để được thông qua triển khai như cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng (đi qua Bắc Giang- Lạng Sơn), Đồng Đăng - Trà Lĩnh (Cao Bằng) và Tân Phú - Bảo Lộc (Đồng Nai – Lâm Đồng).
Tập đoàn Đèo Cả được đánh giá là doanh nghiệp lớn về đầu tư hạ tầng giao thông tại Việt Nam. Ảnh: Ngọc Tân
Tập đoàn Đèo Cả hiện nay được xem là doanh nghiệp lớn về đầu tư hạ tầng giao thông, và được mệnh danh "vua hầm" Việt Nam. Những dự án hầm làm nên thương hiệu của Đèo Cả có thể kể đến như: Hầm đường bộ Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông, hầm Hải Vân 2 có tổng mức đầu tư hơn 21.612 tỷ đồng.
Tập đoàn Đèo Cả hiện nay gồm có 20 công ty thành viên, chia thành 5 khối ngành nghề như: Khối doanh nghiệp đầu tư, Khối doanh nghiệp dự án, Khối doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, Khối doanh nghiệp dịch vụ và Khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, với hơn 6.000 cán bộ - công nhân viên. Theo báo cáo tài chính năm 2021, tổng tài sản của Tập đoàn Đèo Cả ghi nhận 39.428 tỷ đồng; trong đó, tài sản dài hạn là 33.588 tỷ đồng, bao gồm tài sản cố định là chiếm tỷ trọng lớn nhất là 28.763 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu đạt 7.915 tỷ đồng.