Luật Đất đai (sửa đổi): Vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được đặc biệt quan tâm

Thứ bảy - 18/02/2023 20:03

Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) qua nền tảng công nghệ

Hơn 600 lượt ý kiến Góp ý cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã được gửi về Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh thông qua các nền tảng công nghệ như: thư điện tử, website và fanpage.

Hơn 500 lượt góp ý là của người dân, phần còn lại là các doanh nghiệp và chuyên gia, nhà nghiên cứu. Đây là dấu hiệu đáng mừng, cho thấy sự quan tâm của người dân với dự án luật quan trọng, có tính chất quyết định cho sự phát triển của đất nước.

Việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân theo hình thức trực tuyến được tổ chức chặt chẽ, chu đáo. Người dân được tiếp cận với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), có câu hỏi định hướng vào những vấn đề trọng tâm để đề xuất ý kiến.

Việc tổng hợp ý kiến cũng sẽ được tiến hành khoa học, đảm bảo chất lượng và phản ánh thực tiễn, tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Việc lấy ý kiến trực tuyến sẽ được tiến hành song song với các hình thức khác từ nay đến hết ngày 15/3.

Đóng góp ý kiến về quy hoạch sử dụng đất trong Luật Đất đai (sửa đổi)

Trong quá trình lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), một trong những nội dung được đặc biệt quan tâm, đó là vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Mối quan tâm này xuất phát từ những tồn tại do công tác quy hoạch chậm trễ, tùy tiện tại một số nơi, ảnh hưởng lớn tới kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương.

Luật Đất đai (sửa đổi): Vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được đặc biệt quan tâm - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)

Tại hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ở Hà Nội, nhiều ý kiến tập trung vào chương 5 về quy hoạch kế hoạch sử dụng đất của dự thảo luật, đặc biệt là các quy định liên quan đến nguyên tắc lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất.

"Trong ngành xây dựng có đề ra là điều chỉnh định kỳ quy hoạch xây dựng và điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng, nhưng trong Luật Đất đai lần này, ở điều 71 dự thảo thì chỉ xác định điều chỉnh định kỳ. Trong buổi cảnh hiện nay đâu phải 5 năm mới điều chỉnh được, nó phải có cục bộ. Cục bộ như thế nào thì có trong Luật Xây dựng, nhưng sau bị người ta phê phán nhiều bởi vì đấy là lợi dụng quyền lực, lợi dụng tham nhũng bởi vì ông cho phép điều chỉnh cục bộ. Vậy Luật Đất đai chúng ta phải rút kinh nghiệm, phải có điều chỉnh chỗ này", KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, đề xuất.

"Chúng ta làm quy hoạch xong điều chỉnh quy hoạch rất là tùy tiện, nó làm biến dạng quy hoạch, nó làm bóp méo quy hoạch và gây ra nhiều hệ lụy. Tôi nghĩ rằng nếu quy hoạch đã được phê duyệt thì không nên điều chỉnh nữa, trừ mấy trường hợp là do an ninh, quốc phòng và giao thông công cộng. Thứ hai là có một số cái tuyệt đối cấm điều chỉnh. Tôi nói ví dụ như đất rừng tự nhiên, đất rừng phòng hộ ,đất an ninh quốc phòng", TS. Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, nêu ý kiến.

"Chúng ta rất là đau xót mất bao nhiêu cán bộ từ phường trở lên lên đến cấp cao nữa vì vấn đề đất đai, sự mập mờ về quy hoạch. Sự mập mờ trong quy hoạch làm dân rất khổ. Tôi nghĩ dứt khoát không được điều chỉnh quy hoạch nhiều. Như các đồng chí thấy Tố Hữu, Lê Văn Lương là tắc đường là do quy hoạch", PGS. TS. Bùi Thị An, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, cho hay.

"Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc giao thông, tức là chúng ta mất ở khu quy hoạch. Hà Nội tắc chủ yếu là tám tuyến đường chính tổng chiều dài chiếm 10% tổng chiều dài của đường đô thị Hà Nội, nhưng có tới 90% lưu lượng xe đang đổ về dẫn đến bất hợp lý và ùn tắc tất tất yếu xảy ra. Đây cũng là vấn đề đặt ra để có hướng dẫn trong quy định của Luật Đất đai", PGS. TS. Doãn Minh Tâm, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải, nói.

Các ý kiến đóng góp sẽ tổng hợp để gửi tới Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội. Công việc này kết thúc trước ngày 15/3 tới.


Theo Ban Thời sự

VTV.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây