Khách hàng mất 4 tỷ đồng vì "ôm" hàng chục lô đất đấu giá

Thứ ba - 20/12/2022 07:03

Mất hàng tỷ đồng vì bỏ cọc đấu giá đất

UBND tỉnh Bình Định vừa có quyết định hủy kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với 13 lô đất ở thuộc khu tái định cư phục vụ tuyến đường ven biển (ĐT.639) đoạn từ cầu Lại Giang đến Cầu Thiện Chánh thuộc phường Hoài Hương, thị xã Hoài Nhơn.

Lý do hủy kết quả trúng đấu giá là sau thời hạn 30 ngày kể từ ngày cơ quan thuế ban hành thông báo nộp tiền mà người trúng đấu giá không nộp đủ tiền trúng đấu giá còn lại, cùng các khoản nghĩa vụ tài chính khác có liên quan vào Ngân sách nhà nước theo quy định.

Đáng chú ý, trong số 13 lô đất vừa nêu thì 12 lô do ông T.V.S (trú phường Nhơn Hoà, thị xã An Nhơn) trúng đấu giá tại phiên đấu ngày 6/8 ở Công ty Đấu giá hợp danh Kiểu Việt, với tổng số tiền trúng đấu giá hơn 24 tỷ đồng. Ông S đã nộp gần 4 tỷ đồng tiền đặt cọc.

Khách hàng mất 4 tỷ đồng vì ôm hàng chục lô đất đấu giá - Ảnh 1.

Trúng đấu giá 12 lô đất ở Bình Định với tổng số tiền hơn 24 tỷ đồng nhưng quá hạn mà không nộp đủ số tiền, nên người đàn ông bị mất 4 tỷ đồng tiền đặt trước. (Ảnh minh họa)

Một lô còn lại do bà N.T.D (trú xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai, Kon Tum) trúng đấu giá tại phiên đấu giá ngày 13/8 ở Công ty Đấu giá hợp danh Kiểu Việt, với tổng số tiền trúng đấu giá hơn 1,3 tỷ đồng. Bà D đã nộp 240 triệu đồng tiền đặt cọc.

Với việc bị hủy kết quả đấu giá đất, số tiền đặt trước của ông S và bà D sẽ được sung vào công quỹ Nhà nước theo quy định.

Liên quan đến việc mất tiền tỷ vì bỏ cọc đấu giá đất, hồi đầu năm, UBND huyện Diễn Châu (Nghệ An) đã hủy bỏ kết quả trúng đấu giá đất đối với 73 lô đất thuộc vùng quy hoạch dân cư ở các xã Diễn Vạn, Diễn Đồng, Diễn Phúc, Diễn Bích và xã Diễn Mỹ.

Được biết, thời điểm đấu giá là lúc diễn ra cơn “ sốt đất ” ở Nghệ An. Tuy nhiên, đến thời hạn nộp tiền mua đất theo quy định, các nhà đầu tư đã không nộp hoặc nộp không đủ số tiền trúng đấu giá. Do đó, tổng số tiền đặt cọc là hơn 15,7 tỷ đồng của các nhà đầu tư trúng đấu giá đã được bổ sung công quỹ.

Đáng chú ý, trong số khách hàng tham gia đấu giá và nộp tiền có ông N.T.N (Hà Nội) trúng đấu giá 19/28 lô đất tại vùng quy hoạch Rộc Thum Bắc (xã Diễn Phúc). Vì thế, người đàn ông này mất 7,3 tỷ đồng tiền đặt cọc đã nộp trước đó.

Đề xuất nâng mức tiền cọc đấu giá đất lên 30 – 35% giá khởi điểm

Theo các chuyên gia bất động sản, tình trạng khách hàng bỏ cọc sau đấu giá diễn ra phổ biến gần đây do không có nhu cầu thực mà chỉ nhằm “lướt sóng” kiếm lời, hoặc "thổi giá" để bán những lô đất đã mua trước đó ở gần khu vực. Minh chứng là khi thị trường chậm lại, không sang tay ngay được họ sẽ sẵn sàng bỏ số tiền vài trăm triệu đồng, thậm chí hàng chục tỷ đồng tiền cọc .

Để ngăn ngừa tình trạng trên, các chuyên gia cho rằng, cơ quan chức năng cần có những biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động đấu giá. Đặc biệt, mức cọc khi tham gia đấu giá tài sản cũng cần nâng cao hơn so với hiện tại.

Điển hình là cử tri tỉnh Nghệ An mới đây cho biết, hiện nay việc đấu giá quyền sử dụng đất còn nhiều bất cập, nhất là tình trạng nâng giá, dìm giá , bỏ cọc. Do đó, cử tri kiến nghị Chính phủ sửa đổi, hoàn thiện các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất như quy định về giá khởi điểm, chế tài đối với việc không thực hiện thanh toán tiền trúng đấu giá.

Trong đó có đề xuất nâng mức tiền đặt cọc đấu giá đất lên khoảng 30 – 35% giá khởi điểm, quy định thời gian tối thiểu mới được chuyển nhượng, tách thửa để ổn định thị trường quyền sử dụng đất ở, hạn chế tình trạng nhà đầu tư lướt sóng thao túng thị trường, người dân có nhu cầu lại không mua được.

Về vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Luật Đấu giá tài sản hiện nay quy định người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước với mức từ 5% đến 20% so với giá khởi điểm của tài sản đấu giá. Mức cụ thể do người có tài sản đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản thỏa thuận, quyết định.

Khách hàng mất 4 tỷ đồng vì ôm hàng chục lô đất đấu giá - Ảnh 2.

Theo các chuyên gia bất động sản, tình trạng khách hàng bỏ cọc sau đấu giá diễn ra phổ biến gần đây do không có nhu cầu thực mà chỉ nhằm “lướt sóng” kiếm lời. (Ảnh minh họa)

Tiền đặt trước sau khi trúng đấu giá được chuyển thành tiền đặt cọc để bảo đảm thực hiện giao kết hoặc thực hiện hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc thực hiện nghĩa vụ mua tài sản đấu giá sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Qua triển khai với nhiều loại tài sản được đưa ra bán đấu giá, giá trị tài sản khác nhau (hiện nay có hơn 20 loại tài sản được đưa ra bán đấu giá) đã cho thấy mức tiền đặt trước tối đa mà Luật Đấu giá tài sản quy định là phù hợp, tạo điều kiện thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá.

Trong trường hợp nâng mức tiền đặt trước lên quá cao có thể sẽ có ít tổ chức, cá nhân đủ điều kiện tham gia đấu giá, tiềm ẩn nguy cơ thông đồng , móc nối để dìm giá.

Theo Lập Đông

Tiền Phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây