Doanh nghiệp bất động sản “kiệt sức” vay lãi cao để duy trì, mạnh tay cắt giảm nhân sự

Thứ ba - 08/11/2022 21:04

Thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng, thanh khoản sụt giảm, nhiều doanh nghiệp cũng theo đó mà lâm vào tình thế khó khăn. Thậm chí, có những doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự, vay lãi cao để duy trì.

Ông N.T.H, lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản tại Hà Nội cho biết, công ty đã lên kế hoạch điều chỉnh về nhân sự, thu nhập và nhiều kế hoạch đầu tư mở rộng phải tạm dừng lại. Theo ông H., dù công ty đã cố gắng xoay sở nhưng cũng khó có thể đứng ngoài khó khăn chung. Theo đó, việc có những sự điều chỉnh nhất định là cần thiết, doanh nghiệp cần có dự phòng nguồn lực tài chính.

“Hiện nay, công ty đã thông báo cắt giảm 60 nhân sự kinh doanh, tương đương khoảng 50% tổng số nhân viên kinh doanh. Không chỉ nguyên doanh nghiệp của chúng tôi, mà một số công ty khác cũng phải cắt giảm. Nếu thị trường tiếp tục trầm lắng thế này, có thể nhiều công ty không chỉ dừng lại ở việc cắt giảm nhân sự, thậm chí phải đóng cửa”, ông H. nói.

Theo vị này, thực tế, sau 2 năm dịch bệnh Covid-19, sức khỏe của công ty đã khá yếu ớt, nên khi thị trường rơi vào trầm lắng, khả năng chống chịu thấp.

Anh Thái Tú, chủ một doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn Hà Nội chia sẻ, mới đây, công ty anh đã phải cắt giảm 60% nhân sự, tương đương 50 người, vì khó khăn về vấn đề tài chính.

“Thị trường trầm lắng, doanh thu công ty không có nhiều, nên phải giảm thiểu các chi phí thuê mặt bằng, lương trợ cấp,... Cùng đó, khách mua không có nên nhân viên kinh doanh cũng không cần quá nhiều, nên số lượng môi giới khoảng 40% còn lại tôi cho là hợp lý. Phía công ty cũng đã hướng dẫn những người thuộc diện cắt giảm nhân sự làm các thủ tục để nhận hỗ trợ từ bảo hiểm”, anh Tú nói.

Theo anh Tú, thực tế, công ty anh cũng đang gặp khó một số dự án đầu tư trước đó nên dự phòng ngân sách không còn. Thậm chí, hiện nay, việc vay vốn từ các ngân hàng khó hơn, anh phải chấp nhận vay ngoài với mức lãi suất cao để duy trì công ty.

“Nếu các khoản đầu tư vẫn tiếp tục lỗ, thị trường không khá hơn, tôi e rằng sẽ khó duy trì được hết năm sau. Bây giờ chỉ hy vọng thị trường bất động sản có những tín hiệu tốt lên vào những tháng cuối năm hoặc đầu năm tới”, anh Tú nói.

Doanh nghiệp bất động sản “kiệt sức” vay lãi cao để duy trì, mạnh tay cắt giảm nhân sự - Ảnh 1.

Theo Bộ Xây dựng, trong nửa đầu năm 2022, thị trường bất động sản có hiện tượng phát triển nhanh về giá và lượng giao dịch ở nhiều phân khúc bất động sản và tại nhiều địa phương trên cả nước kéo theo sự phục hồi, hoạt động trở lại của các sàn giao dịch bất động sản; thu hút số lượng lớn người tham gia môi giới đặc biệt là môi giới tự do, giao dịch bất động sản.

Tuy nhiên, đến quý III/2022, thị trường bất động sản có sự điều chỉnh, lượng giao dịch bất động sản đã giảm so với thời điểm đầu năm dẫn đến quy mô của các sàn giao dịch bất động sản giảm, số lượng môi giới bất động sản cũng giảm theo.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, hiện nay thị trường bất động sản đang rất khó khăn và đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái và có một số Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản cũng đang rất khó khăn, đặc biệt là “rủi ro” bị sụt giảm sâu thanh khoản, thậm chí có thể bị mất thanh khoản, thể hiện qua việc một số Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phải thực hiện các biện pháp để tồn tại.

Cụ thể, một số Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh (dừng, trì hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO), mà điều này sẽ tác động đến sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế, trực tiếp làm giảm nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Theo ông Châu, một số Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động (thậm chí có Tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động) tác động đến vấn đề an sinh xã hội, hoặc phải giảm lương tác động đến cuộc sống người lao động.

“Do tắc nguồn vốn tín dụng và trái phiếu, cùng đó tắc cả nguồn vốn huy động từ khách hàng, nên một số Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đói vốn nên phải vay vốn ngoài xã hội với lãi suất rất cao, đầy rủi ro. Thậm chí, phải bán bớt tài sản, dự án hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu đến 40% giá hợp đồng, tạo cơ hội cho khách hàng mua với giá rẻ, nhưng có rủi ro do là sản phẩm hình thành trong tương lai”, ông Châu nói.

Minh Tâm

Nhịp sống thị trường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây