"Có doanh nghiệp làm cùng lúc 50 dự án, tôi không hiểu giải quyết thế nào khi gặp khó khăn?"

Thứ tư - 08/02/2023 07:03

Vướng mắc pháp lý, tín dụng

Tại Hội nghị trực tuyến về tín dụng bất động sản sáng 8/2, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, 70% vướng mắc của thị trường là ở tính pháp lý, bên cạnh đó tín dụng cũng là vướng mắc của thị trường bất động sản hiện nay.

Những khó khăn, vướng mắc liên quan đến tín dụng tập trung chủ yếu tại mục đích vay vốn; hệ số rủi ro áp dụng cao hơn đối với các dự án; vướng mắc về room tín dụng; vướng mắc về giá trị tài sản đảm bảo ; về room tín dụng; lãi suất…

Có doanh nghiệp làm cùng lúc 50 dự án, tôi không hiểu giải quyết thế nào khi gặp khó khăn? - Ảnh 1.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.


Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, những kiến nghị của các doanh nghiệp và ngân hàng tại hội nghị đã phản ánh khá đầy đủ dưới góc độ người cho vay và người đi vay. Thống đốc mong muốn các doanh nghiệp chia sẻ với ngành ngân hàng, đồng thời cho biết ngành ngân hàng còn phải cân đối nhiều mục tiêu mà cũng vì mục tiêu chung của nền kinh tế chứ không phải riêng ngành ngân hàng.

Về phía ngân hàng, lãi suất cũng phải hài hoà giữa người gửi tiền và người đi vay. Mặc dù 3 năm qua rất khó khăn nhưng tín dụng đều tăng trưởng. Đây là cố gắng rất lớn của ngành ngân hàng, trong khi ngành ngân hàng phải cân đối, cung ứng vốn cho các lĩnh vực ưu tiên.

Giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đòi hỏi từ phía ngân hàng và từ chính các doanh nghiệp. Riêng đối với NHNN, năm 2023 tiếp tục sử dụng công cụ kiểm soát room tín dụng, đảm bảo tín dụng đáp ứng cho nền kinh tế nhưng vẫn phải an toàn hệ thống ngân hàng.

“Chúng tôi sẽ theo dõi sát diễn biến lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Theo chỉ đạo ưu tiên của Thủ tướng Chính phủ, nếu lạm phát tăng cao, NHNN sẽ có điều chỉnh phù hợp. Bản thân NHNN không có room cho bất động sản mà chỉ định hướng tín dụng lành mạnh, an toàn”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, việc NHNN kiểm soát rủi ro đối với bất động sản hay chứng khoán không phải là tín dụng thuần tuý. Có trường hợp doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn nhưng nếu cho vay dài hạn thì ngân hàng sẽ không đảm bảo an toàn hoạt động.

"Mong các doanh nghiệp hiểu tại sao ngân hàng phải kiểm soát rủi ro, là vì rủi ro chênh lệch kỳ hạn. NHNN chưa có bất kỳ văn bản nào yêu cầu thắt chặt tín dụng bất động sản. Việc này tuỳ thuộc vào các ngân hàng thương mại”, lãnh đạo NHNN cho hay.

Theo lãnh đạo NHNN, định hướng năm 2023, NHNN chỉ đạo các chi nhánh, ngân hàng thương mại thực hiện nghiêm các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, gần đây nhất là công điện của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, thị trường xăng dầu.

Để góp phần phát triển thị trường BĐS lành mạnh, an toàn, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng nỗ lực tiết giảm tối đa chi phí hoạt động để có dư địa cho vay, giúp các doanh nghiệp trả nợ; tập trung tín dụng vào các dự án có tính pháp lý, có khả năng khả thi, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo khả năng trả nợ, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân…

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chỉ đạo các ngân hàng ngồi lại với doanh nghiệp để tìm hiểu những khó khăn cụ thể, không nói chung chung. Các ngân hàng chủ động kiểm soát chặt chẽ dòng tiền, đẩy mạnh cho vay người mua nhà, thu nợ người bán nhà, tăng cường kiểm tra việc cấp tín dụng đối với các doanh nghiệp, tập đoàn, dự án sân sau.

“Nếu tín dụng tập trung vào các doanh nghiệp là sân sau với mức độ tập trung lớn sẽ rất rủi ro. Các ngân hàng cần phải quan tâm lưu ý việc này”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.

Có doanh nghiệp làm cùng lúc 50 dự án, tôi không hiểu giải quyết thế nào khi gặp khó khăn? - Ảnh 2.

Toàn cảnh hội nghị.

Về cho vay ưu đãi nhà ở xã hội, Thống đốc yêu cầu các ngân hàng thương mại có giải pháp tín dụng phù hợp, kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc; báo cáo các Bộ, ngành địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết những vướng mắc mang tính pháp lý, thủ tục,… làm thế nào tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp những vẫn phải đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.

Đối với các doanh nghiệp bất động sản, các cơ quan điều hành sẽ phải áp dụng các chính sách ổn định vĩ mô. "Tôi biết có doanh nghiệp ngồi đây triển khai cùng lúc 50 dự án liền. Tôi không hiểu doanh nghiệp sẽ giải quyết thế nào khi gặp khó khăn. Tôi mong muốn doanh nghiệp trong mảng kinh doanh của mình dù lớn hay nhỏ, nhất là những doanh nghiệp phải vay nhiều, cần hết sức chú trọng việc quản trị dòng tiền”, lãnh đạo NHNN cho hay.

Thống nhất giảm lãi suất huy động

Tại Hội nghị, Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cho biết, cho đến hết 31/12, dư nợ bất động sản chiếm trên 20% dư nợ của ngân hàng, bao gồm cả cho vay doanh nghiệp phát triển và cá nhân. Trong năm 2022, tín dụng bất động sản tăng 17%. Do vậy ngân hàng đã không để lĩnh vực bất động sản thiếu room.

Trong đó, cho vay đối với cá nhân chiếm 90% và 10% cho với các doanh nghiệp đầu tư bất động sản. Đáng chú ý, dư nợ bất động sản khu công nghiệp tăng 4 lần trong năm 2022 do tiềm năng của ngành nghề này.

Đại diện Vietcombank cũng cho biết, ngay trước cuộc họp này, tổng giám đốc các ngân hàng thương mại đã nhóm họp và thống nhất giảm lãi suất huy động.

Đại diện Ngân hàng BIDV cho biết, năm 2023, ngân hàng tập trung cho vay BĐS khu công nghiệp các địa bàn trọng điểm TP HCM; ưu tiên dự án quy mô 50 ha trở lên. Với dự án nhà ở ưu tiên cho vay tại các địa bàn lớn Hà nội, TP HCM và với chủ đầu tư có năng lực tài chính.

Theo Ngọc Mai

Tiền phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây