Chung cư cũ hết thời “ngáo giá”, chủ nhà chủ động giảm trăm triệu chào khách mua

Thứ bảy - 31/12/2022 03:03

Giá chung cư cũ từng "nhảy múa"

Kể từ thời điểm sau dịch, thị trường chung cư đã qua sử dụng tại Hà Nội bất ngờ chứng kiến màn tăng giá đột biến. Khảo sát thực tế ghi nhận, mức giá tăng của chung cư cũ dao động từ 10-30%. Trong bối cảnh chung cư Hà Nội khan hiếm nguồn hàng, nguồn cầu của thị trường lớn, cộng thêm giá mức căn hộ chào mới trên thị trường đắt đó, đã khiến giá căn hộ cũ liên tục "nhảy múa" thời gian qua.

Nhiều nhà đầu tư nhanh chóng chớp thời cơ “chốt” lời hàng trăm triệu đồng nhờ mua đi bán lại chung cư. Anh Trần Văn Thuận, môi giới chung cư ở Hà Nội cho biết, những người mua chung cư trước thời điểm tháng 4/2022 đều có lãi. Đơn cử như một căn hộ 3 phòng ngủ tại toà thấp tầng CT4, ở Sudico Mỹ Đình vào tháng 1/2022, được chào bán 3 tỷ đồng. Đến tháng 6, mức giá căn hộ này dao động khoảng 3,5 tỷ đồng và đến tháng 9, một số chủ nhà còn đẩy giá lên 3,9 tỷ đồng.

Chung cư cũ hết thời “ngáo giá”, chủ nhà chủ động giảm trăm triệu chào khách mua - Ảnh 1.

Thị trường chung cư cũ từng rất sôi động.

Tương tự căn hộ tại khu CT1, cũng thuộc Sudico Mỹ Đình, giá căn hộ 3 phòng ngủ trước đó chỉ chào với đơn giá 25-28 triệu đồng/m2. Đến tháng 8/2022, một số chủ nhà mạnh tay “hét giá” lên tới 35-40 triệu đồng/m2.

Anh Nguyễn Văn Ngọc từng có 2 căn chung cư cho thuê ở Mỹ Đình. Anh đầu tư 2 căn hộ này trong vòng 3 năm nhưng mức giá gần như không xê dịch, thậm chí có thời điểm khách hàng còn hạ giá thấp. “Đã có lúc tôi muốn bán tháo cho nhanh nhưng thấy giá rẻ, không có lời nên cố giữ. Cũng may vì nhờ giữ mà đến tháng 8/2022, giá chung cư cũ lên. Nhiều môi giới liên hệ hỏi. Tôi đã chốt mỗi căn lãi tới 500 triệu đồng”.

Nhận thấy thị trường chung cư cũ tiềm năng, không ít nhà đầu tư đổ vốn tìm kiếm căn hộ, sửa sang và chào bán lại với kỳ vọng lướt chênh.

Thị trường chung cư cũ chững lại

Trái ngược với diễn biến sôi động giai đoạn tháng 5,6,7,8,9, thị trường chung cư cũ đang bắt đầu dần hạ nhiệt. Chị Lê Thị Hương (Nam Từ Liêm, Hà Nội) từng có 3 tháng tìm kiếm căn hộ đã qua sử dụng tại Mỹ Đình cho biết: “Thời điểm đó, vợ chồng tôi đi tới căn hộ nào cũng lắc đầu vì chủ nhà hét giá cao. Vì giá tăng quá cao nên vợ chồng tôi dừng kế hoạch tìm nhà. Đến giữa tháng 12/2022, phía môi giới liên hệ hỏi chúng tôi còn nhu cầu tìm nhà hay không? Môi giới cho biết, căn hộ 3 phòng ngủ tại dự án Iris Garden mà trước đó chúng tôi đến xem. Phía chủ nhà giảm 300 triệu đồng cho khách thiện chí, chưa kể khâu đàm phán thương lượng”.

Theo anh Trần Văn Thuận, thị trường chung cư cũ hiện đã giảm nhiệt. Nhiều nhà đầu tư “ăn theo” sóng tăng giai đoạn giữa năm hiện đang rơi vào cảnh chôn vốn. Họ buộc chấp nhận cắt lãi để đẩy nhanh bán. Mức giá giảm trung bình 5-10%. Xu hướng này mới xuất hiện nhỏ lẻ, nhưng đang ngày càng gia tăng.

“Một số căn tôi từng môi giới, chủ nhà chủ động gọi điện nói, nếu thấy khách có nhu cầu thực sự, thiện chí, họ báo tôi chào giá thấp xuống 100-200 triệu đồng. Có căn, chủ nhà chủ động hạ giá 300 triệu để “chào” khách mua. Hầu như chủ nhà nào cũng không còn “hét giá” cao, vì sợ khách nghe xong không muốn đàm phán thêm”, anh Thuận nói.

Lý giải của môi giới, do việc vay vốn ngân hàng và lãi suất cao khiến người mua nhà dù có nhu cầu nhưng gặp khó trong thanh toán. Điều này cũng ảnh hưởng lớn đến tính thanh khoản, giao dịch trên thị trường.

Mặt khác cũng theo anh Thuận, thực tế, trước đó, do thông tin về niên hạn chung cư nên nhiều người chuộng căn hộ cũ, có sổ hồng lâu dài. Đến hiện tại, thông tin này đã trầm lắng nên tâm lý của người mua cũng không còn bị tác động mạnh.

“Dù chững lại nhưng giá chung cư cũ vẫn neo ở mức cao. Đó là rào cản lớn với người mua nhà”, anh Thuận nói thêm.


Triệu Vương

Nhịp sống thị trường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây