Chủ tịch HoREA: "Hy vọng các tổ chức tín dụng thấu hiểu và chia sẻ với doanh nghiệp BĐS như những người cùng trên một con thuyền, cùng nhau chèo chống vượt qua cơn phong ba bão táp dữ dội"

Thứ năm - 16/02/2023 22:03

Sáng ngày 17/2, Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì sẽ được diễn ra. Trong văn bản gửi tới Hội nghị, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) cho rằng năm 2023 có tính quyết định “sống còn” đối với các doanh nghiệp bất động sản.

Theo ông Châu có 2 khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay, đầu tiên là vướng mắc pháp lý chiếm 70% khó khăn của doanh nghiệp bất động sản. Bên cạnh đó, khó khăn về nguồn vốn, trước hết là vốn tín dụng ngân hàng, kế đến là vốn trái phiếu doanh nghiệp, vốn từ thị trường chứng khoán và vốn huy động từ khách hàng.

Chủ tịch HoREA cho rằng, trong thời gian chờ đợi các Luật mới có hiệu lực (ngày 1/7/2024) và trên cơ sở các Luật hiện hành. Để tháo gỡ vướng mắc về pháp lý thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Hiệp hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành khẩn trương trình Chính phủ ban hành 04 Nghị định gồm Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 65/2022/NĐ-CP về trái phiếu doanh nghiệp; Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về đất đai; Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng; Dự thảo Nghị định về quy trình, thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng dự án bất động sản, nhà ở, đô thị trong tháng 2 hoặc đầu tháng 3/2023. Sau đó, các Bộ, ngành ban hành các Thông tư để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.

Về giải pháp tháo gỡ vướng mắc pháp lý thuộc thẩm quyền của cấp tỉnh, ông Châu cho biết Nghị định 148/2020/NĐ-CP đã có hiệu lực từ ngày 08/02/2021 nhưng đến nay mới có hơn phân nửa số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành Quyết định quy định chi tiết thực hiện để xử lý diện tích đất công nằm xen kẽ trong dự án nhà ở thương mại, trong đó có TP. Hà Nội.

Do vậy, Hiệp hội đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn lại khẩn trương ban hành Quyết định quy định chi tiết thực hiện Nghị định 148/2020/NĐ-CP để xử lý diện tích đất công nằm xen kẽ trong dự án nhà ở thương mại để chủ đầu tư có căn cứ pháp luật tiếp tục thực hiện dự án và tạo nguồn thu ngân sách nhà nước.

Chủ tịch HoREA: Hy vọng các tổ chức tín dụng thấu hiểu và chia sẻ với doanh nghiệp BĐS như những người cùng trên một con thuyền, cùng nhau chèo chống vượt qua cơn phong ba bão táp dữ dội - Ảnh 1.

Về nguồn vốn, ông Châu đề nghị, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét cho phép nới tiêu chí nhưng không hạ chuẩn tín dụng để doanh nghiệp bất động sản được tái cơ cấu khoản nợ vay tín dụng đến hạn, giữ nguyên nhóm nợ. Bên cạnh đó, được khoanh nợ xấu đối với một số khoản nợ nhóm 2, nhóm 3 để có thể được vay vốn tín dụng mới đối với dự án bất động sản có đầy đủ pháp lý, có tài sản bảo đảm, có tính khả thi, được tổ chức tín dụng đánh giá có khả năng trả lãi, trả nợ gốc.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết, dư nợ tín dụng bất động sản đến cuối năm 2022 đạt khoảng 2,58 triệu tỷ đồng, tăng 24,27% so với cuối năm 2021, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng bình quân 14,17% của nền kinh tế và chiếm 21,2% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế.

Ông Châu cho biết, theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. HCM, tổng dư nợ tín dụng năm 2022 trên địa bàn khoảng 3,2 triệu tỷ đồng. Trong đó tín dụng bất động sản chiếm khoảng 28% tương đương 896.000 tỷ đồng, chỉ tăng khoảng 16% (thấp hơn rất nhiều so với bình quân cả nước 24,27%), cao hơn không nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng chung của thành phố là 13,8%. Đáng lưu ý là trong đó có đến 70% là tín dụng tiêu dùng bất động sản tương đương 627.200 tỷ đồng của cá nhân, hộ gia đình vay để xây nhà, sửa chữa nhà, mua nhà.

Như vậy, nguồn vốn tín dụng cho doanh nghiệp bất động sản chỉ chiếm 30% tương đương 268.800 tỷ đồng, có nghĩa là các doanh nghiệp bất động sản vẫn khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Theo Chủ tịch HoREA, bên cạnh tình cảnh cực kỳ khó khăn của nhiều doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản thì lại có gam màu tươi sáng của nhiều tổ chức tín dụng ngân hàng đạt lợi nhuận tăng liên tục, năm sau cao hơn năm trước trong cả 03 năm dịch bệnh diễn ra.

Bên cạnh đó, trong năm 2022, đã có 16 ngân hàng thương mại cam kết hỗ trợ giảm lãi vay cho một số đối tượng nhưng chỉ với giá trị chỉ khoảng 3.500 tỷ đồng. Hiệp hội rất kỳ vọng các tổ chức tín dụng thấu hiểu và chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp như những người cùng trên một con thuyền phải cùng nhau chèo chống vượt qua cơn phong ba bão táp dữ dội hiện nay.

Về vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản, ông Châu cho biết, doanh nghiệp có khoản vay tín dụng sắp đáo hạn nếu không được cơ cấu lại nợ vay, không được giữ nguyên nhóm nợ thì có nguy cơ bị nhảy nhóm nợ xấu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có khoản vay tín dụng đã bị xếp vào nợ xấu nhóm 2 hoặc nhóm 3 nếu không được khoanh nợ khoản nợ xấu này thì không thể tiếp cận được khoản vay mới để có cơ hội phục hồi sản xuất kinh doanh hoặc bị nhảy nhóm nợ xấu hơn.

Chủ tịch HoREA: Hy vọng các tổ chức tín dụng thấu hiểu và chia sẻ với doanh nghiệp BĐS như những người cùng trên một con thuyền, cùng nhau chèo chống vượt qua cơn phong ba bão táp dữ dội - Ảnh 2.

Do đó, ông Châu kiến nghị Chính phủ xem xét cho phép Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư (mới) tương tự Thông tư 14/2021/TT-NHNN, nới tiêu chí nhưng không hạ chuẩn tín dụng để doanh nghiệp bất động sản được tái cơ cấu khoản nợ vay tín dụng đến hạn, trong thời hạn từ 12-24 tháng. Bên cạnh đó, giữ nguyên nhóm nợ, được khoanh nợ xấu đối với một số khoản nợ nhóm 2, nhóm 3 để được vay vốn tín dụng mới đối với dự án bất động sản có đầy đủ pháp lý, có tài sản bảo đảm, có tính khả thi, được tổ chức tín dụng đánh giá có khả năng trả lãi, trả nợ gốc.

Cùng đó, Ngân hàng Nhà nước xem xét không cấm tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp trong các trường hợp trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành, để phù hợp với Nghị định số 65/2022/NĐ-CP.

Về nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội, Hiệp hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét sớm chấp thuận đề xuất của Bộ Xây dựng về gói tín dụng ưu đãi 110.000 tỷ đồng . Đồng thời tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước chỉ định để cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở dành cho công nhân khu công nghiệp và chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được vay vốn ưu đãi để thực hiện mục tiêu phát triển 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030.

Ngoài ra, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 65/2022/NĐ-CP về trái phiếu doanh nghiệp có nhiều nội dung tích cực. Song, ông Châu cho rằng, quy định về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân; về kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu được áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2024 chưa phù hợp với tình hình thực tế, bởi lẽ chỉ còn hơn 10 tháng. Do vậy, ông Châu đề nghị Chính phủ xem xét cho phép được áp dụng từ ngày 01/07/2024, hoặc tốt hơn là từ ngày 01/01/2025.

Bên cạnh đó, Chủ tịch HoREA đề nghị Tổ công tác của Chính phủ phối hợp với các Bộ, ngành, các địa phương khẩn trương xem xét giải quyết các dự án có nguồn gốc đất công, đất do cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hoặc dự án thuộc diện rà soát pháp lý, phải thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Về phía các địa phương, ông Châu đề nghị, UBND cấp tỉnh khẩn trương xem xét để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho dự án bất động sản, nhà ở, đô thị trên địa bàn.

Theo Minh Tâm

Theo Nhip Sống Thị Trường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây