Cấp bách giảm tải cho nội đô

Thứ sáu - 09/12/2022 00:03

Hà Nội hiện có hơn 10 triệu dân nhưng có tới 7,7 triệu phương tiện cá nhân, tình trạng "nhồi" cao ốc vào khu vực trung tâm đã và đang tiếp tục diễn ra gây hàng loạt vấn đề "nóng" cho khu vực nội đô.

Vẫn tồn tại hàng loạt vấn đề "nóng"

Theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu vực nội đô lịch sử sẽ hạn chế phát triển nhà cao tầng và kiểm soát gia tăng dân số cơ học, giảm từ 1,2 triệu người xuống còn khoảng 0,8 triệu người. Cùng với đó, Hà Nội được định hướng phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm: đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh và các thị trấn sinh thái.

Tuy nhiên, đến nay, nhiều mục tiêu và định hướng lớn của quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội như: tổ chức sắp xếp lại trung tâm nội đô lịch sử với kế hoạch giảm dân số, chống ách tắc giao thông, di chuyển các cơ quan, trường đại học ra khỏi nội đô lịch sử... vẫn chưa được triển khai hiệu quả. Các đô thị vệ tinh vẫn còn nhiều vấn đề để đạt mục tiêu giãn dân ra khỏi khu vực nội đô.

Trong báo cáo tổng kết 9 năm thi hành Luật Thủ đô của Bộ Tư pháp đã chỉ rõ tại khu vực nội đô lịch sử hiện nay có nhiều dự án chung cư cao tầng vẫn tiếp tục được xây dựng, tạo thêm áp lực về gia tăng dân số, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Hiện khu vực nội đô Hà Nội đang tồn tại hàng loạt vấn đề "nóng" cần giải quyết như: ùn tắc giao thông, quá tải hạ tầng cả về hạ tầng kinh tế lẫn hạ tầng xã hội, ô nhiễm môi trường…

Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng muốn giảm tải cho đô thị trung tâm phải giải quyết đồng bộ từ việc kiểm soát gia tăng dân số cơ học, phương tiện giao thông cá nhân đến phát triển giao thông công cộng, nâng cấp hệ thống đo đạc, cảnh báo về ô nhiễm môi trường, đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền để người dân đồng hành với thành phố giữ gìn, bảo vệ môi trường sống…

Cấp bách giảm tải cho nội đô - Ảnh 1.

Chung cư mọc lên dày đặc ở các quận trung tâm gây ra nhiều hệ lụy. Ảnh: HỮU HƯNG

Cần quyết liệt hơn

Lý giải tình trạng ùn tắc giao thông nội đô hiện nay, ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, cho biết trong số 7,7 triệu phương tiện cá nhân ở Hà Nội, có hơn 1 triệu ôtô. Mỗi năm phương tiện cá nhân của thành phố tăng khoảng 4%-5% nhưng quỹ đất dành cho giao thông chỉ tăng 0,28%, nên tình trạng ùn tắc giao thông nội đô xảy ra thường xuyên. Để giảm thiểu tình trạng này, ông Thường cho rằng thành phố cần có các giải pháp căn cơ, đồng bộ và quyết liệt hơn nữa. Trong đó, cần đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm; tập trung hoàn thiện các dự án giao thông công cộng, trong đó có tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội (phần trên cao) để sớm đưa vào khai thác. Đồng thời, chú trọng đầu tư để hoàn thành các đường vành đai; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và giao thông thông minh để góp phần hạn chế ùn tắc giao thông.

Về giải pháp quy hoạch, theo kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, thành phố trong thành phố là mô hình phù hợp với quy định chung. Hà Nội nên chú trọng xây dựng quy chế đặc thù về chính quyền đô thị, không thể xem đây là cơ quan ngang cấp quận, huyện. Thành phố cần sớm tổng kết việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị sau hơn một năm thực hiện, từ đó xác định mô hình thành phố trong thành phố phù hợp.

Dù thời gian qua chưa được thực hiện nhưng kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm khẳng định mô hình đô thị vệ tinh vẫn là mô hình hợp lý đối với quy mô ranh giới và đặc thù của Hà Nội. Do đó, trong thời gian tới cần xem xét lại quy mô, phạm vi cũng như xác định tiến độ cụ thể.

Trong khi đó, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng để đẩy nhanh tiến độ đưa các cơ sở công nghiệp ra khỏi nội đô, TP Hà Nội cần một cơ chế đủ mạnh để buộc những cơ sở này trả lại quỹ đất, vì thực tế để doanh nghiệp tự giác bàn giao lại mặt bằng là rất khó khăn. Thành phố cần xây dựng hành lang pháp lý quy định rõ ràng việc doanh nghiệp phải di dời khi đã được bố trí quỹ đất, nhận sự hỗ trợ dịch chuyển. Với những đơn vị đã được bố trí cơ sở sản xuất mới, thành phố cần ban hành quyết định hành chính yêu cầu doanh nghiệp đưa ra lộ trình di chuyển rõ ràng hoặc cưỡng chế thu hồi cơ sở và bàn giao lại cho quỹ đất.

Đại diện UBND TP Hà Nội cho biết nhằm thúc đẩy nhanh quy hoạch chung, thành phố dự kiến tiếp tục kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan: chỉ đạo sớm nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chuẩn áp dụng thống nhất cho hoạt động quy hoạch trên phạm vi cả nước; quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành đẩy nhanh việc di dời trụ sở bộ, ngành, cơ quan trung ương, cơ sở giáo dục, cơ sở y tế đóng trên địa bàn nội đô thành phố, bàn giao quỹ đất sau khi di dời cho thành phố để quy hoạch các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội… phục vụ tái thiết khu vực đô thị trung tâm.

Cần cơ chế, chính sách cho địa phương

Ông Trần Ngọc Chính cho rằng quy hoạch và phát triển đô thị trong thời gian tới cần ưu tiên hoàn thiện quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia làm xương sống cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Phương pháp quy hoạch và định hướng phát triển cần hướng tới quy hoạch tích hợp - chiến lược - phù hợp bối cảnh địa phương, có sự tham gia của các bên trong việc nhận diện và giải quyết những vấn đề đô thị, đặc biệt là các vấn đề như biến đổi khí hậu, giảm nghèo, nhà ở phù hợp khả năng chi trả... Đặc biệt, cần có những cơ chế, chính sách để các địa phương có thể chủ động tháo gỡ rào cản, thúc đẩy công tác chỉnh trang, tái thiết đô thị tại địa phương; chủ động thúc đẩy việc triển khai các dự án khu đô thị mới.

Theo Bạch Huy Thanh

Người lao động

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây