Việt Nam tiếp tục bàn cách phát triển các đô thị thông minh

Thứ sáu - 02/12/2022 00:03

Đây là khẳng định, định hướng về sự phát triển đô thị thông minh của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng tại Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam 2022, khai mạc vào chiều 1/12.

Sự kiện do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức, diễn ra trong hai ngày 1-2/12 với sự tham gia của hơn 500 đại biểu là các lãnh đạo tới từ 27 tỉnh, thành phố trên cả nước, các cơ quan ngoại giao, đại biểu quốc tế đến từ 12 quốc gia và nền kinh tế trên thế giới; các chuyên gia, doanh nghiệp, tổ chức công nghệ thông tin (CNTT) và ứng dụng CNTT trong hoạt động chuyển đổi số, phát triển đô thị thông minh.

Phát triển đô thị thông minh cũng chính là thực hiện chuyển đổi số

Song hành cùng phát triển kinh tế, đô thị hóa cũng kéo theo nhiều vấn đề cho xã hội, khiến các nhà quản lý phải đối diện với một số hệ lụy như sở hạ tầng không đồng bộ, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường...

Trước những thách thức này, đô thị thông minh (Smart City) được xem là một giải pháp chiến lược khi công nghệ được ứng dụng để giải quyết nhiều vấn đề của thành phố. Việc xây dựng Smart City giúp kết nối hạ tầng đô thị với xã hội dựa trên nền tảng công nghệ thông tin. Điều này hỗ trợ thành phố quản lý và điều hành thống nhất, hiệu quả trên nhiều lĩnh vực.

Trên thực tế, Chính phủ Việt Nam cũng đã có nhiều nỗ lực để thúc đẩy quá trình này. Đơn cử, từ năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg để triển khai Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030.

Mới nhất, ngày 11/11/2022, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 148 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tại Nghị quyết 06 mới ban hành, Bộ Chính trị một lần nữa khẳng định quyết tâm phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam, trong đó nhấn mạnh đến việc tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin, hình thành một số nền tảng số dùng chung cho các đô thị, vùng đô thị; đẩy nhanh chuyển đổi số trong hoạt động quản lý đô thị, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số ở đô thị gắn kết chặt chẽ với phát triển đô thị thông minh.

Việt Nam tiếp tục bàn cách phát triển các đô thị thông minh - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng tại sự kiện Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam 2022.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, về bản chất, phát triển đô thị thông minh cũng chính là thực hiện chuyển đổi số trong phạm vi, quy mô đô thị và lấy người dân làm trung tâm.

Theo ông Dũng, đây là một quá trình liên tục, lâu dài và là vấn đề lớn cần tổ chức nguồn lực để triển khai, đặc biệt là cần làm và có tư duy phát triển đô thị thông minh ngay từ khi lập quy hoạch, làm từ đầu khi quy hoạch phát triển đô thị. Trong đó, các cơ quan trung ương tập trung vào ban hành chính sách, tiêu chuẩn kết nối, tiêu chuẩn dữ liệu, việc tổ chức triển khai hiệu quả là trách nhiệm của các địa phương.

Hiện nay, các địa phương vẫn đang chủ yếu tập trung vào việc phát triển và cung cấp các dịch vụ, tiện ích đô thị thông minh, chủ yếu gắn với các dịch vụ của chính quyền điện tử, chính quyền số. Trong khi đó, công tác quy hoạch và quản lý đô thị thông minh để giải quyết các vấn đề căn cơ các bài toán của đô thị như giao thông, năng lượng, môi trường chưa được các tỉnh, thành phố chú trọng.

Theo Thứ trưởng Dũng, điều đó đã dẫn tới có những chỗ hiệu quả mang lại chưa được như mong muốn, chưa thực sự đi vào chiều sâu, chưa đạt được kết quả cuối cùng là nâng cao chất lượng cuộc sống và mức độ hài lòng của người dân trong đô thị.

Việt Nam tiếp tục bàn cách phát triển các đô thị thông minh - Ảnh 2.

Toàn cảnh Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam 2022. Ảnh: Tuấn Việt

Khó khăn lớn nhất đang là hành lang pháp lý

Trước đó, trong phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA cũng nhìn nhận, dù gặp không ít thách thức nhưng Việt Nam cũng có nhiều cơ hội để phát triển thành phố thông minh.

Tại Việt Nam, thành phố thông minh giúp tối ưu hóa nguồn lực, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh, tiện ích cho người dân và phát triển kinh tế, xã hội cũng là mục tiêu của Chính phủ, chính quyền các cấp.

Như trên, từ tháng 8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Đến nay, trên cả nước có 54/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang triển khai xây dựng đề án đô thị thông minh; 30 tỉnh, thành phố đã phê duyệt Đề án/Chương trình/Kế hoạch phát triển đô thị thông minh; 15 tỉnh, thành phố đã phê duyệt Kiến trúc ICT để phát triển đô thị thông minh.

Hiện nhiều tỉnh, thành phố đã xây dựng và triển khai sử dụng Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) cấp tỉnh, thành phố, triển khai ứng dụng dịch vụ du lịch thông minh, giao thông thông minh, kiểm soát trật tự an toàn đô thị, ngoài ra còn một số ứng dụng trong các lĩnh vực khác như giáo dục thông minh, y tế thông minh.

Việt Nam tiếp tục bàn cách phát triển các đô thị thông minh - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA tại sự kiện

Theo ông Khoa, trong những năm vừa qua, các doanh nghiệp công nghệ và lãnh đạo các đô thị cũng đã rất nỗ lực phát triển các đô thị thông minh. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đang là hành lang pháp lý rõ ràng, thuận lợi cho hợp tác công tư đặc biệt các thủ tục liên quan đến: đầu tư, đấu thầu, và thuê dịch vụ công nghệ thông tin.

Thêm vào đó, hiện các đô thị chưa chú trọng quy hoạch thông minh, thông minh hóa các hạ tầng cơ bản, thiết yếu. Tham dự Hội nghị Thành phố Thông minh Việt Nam 2022, Ban tổ chức mong muốn các nhà quản lý, các chuyên gia bàn thảo và kiến nghị những phương giải quyết cụ thể cho hai nhóm vấn đề này.

Việt Nam tiếp tục bàn cách phát triển các đô thị thông minh - Ảnh 4.

Phát triển đô thị thông minh gắn bó chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số.

Trình bày tham luận tại hội nghị, ông Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ VINASA cho biết, hiện nay có đến 160 định nghĩa về thành phố thông minh.

Trước quá nhiều định nghĩa như vậy, ông Quang cho rằng không thể khẳng định định nghĩa nào gọi là "chuẩn" cả. Do đó, để phát triển các thành phố thông minh tại Việt Nam, cần cấy "gen 3Q" vào các đô thị, trong đó bao gồm 3 yếu tố cốt lõi.

Thứ nhất là quy hoạch theo hướng hạn chế nguồn lực càng cần thông minh, thông minh hóa cái cũ và cái mới thì phải thông minh từ đầu.

Thứ 2 là quy chế phải thuận lợi mới khuyến khích mọi thành phần cùng chung tay vào cuộc.

Thứ 3 là quy chuẩn vì phải có chuẩn trong mọi yếu tố như chuẩn kết nối, liên thông, từ hạ tầng cơ bản đến hạ tầng số.

Theo Tuấn Việt

BizLive

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây