Vì sao nhiều dự án trọng điểm ở Hải Phòng bị chậm tiến độ?

Thứ tư - 07/12/2022 04:03
Vì sao nhiều dự án trọng điểm ở Hải Phòng bị chậm tiến độ? - Ảnh 1.

Các dự án trọng điểm Trung tâm Chính trị - Hành chính và Trung tâm Hội nghị - Biểu diễn tại khu đô thị mới Bắc sông Cấm dự kiến khởi công quý I năm 2023. Ảnh đồ họa

Ngày 7/12, UBND TP. Hải Phòng đã có báo cáo về tình hình thực hiện các dự án trọng điểm năm 2022, trong đó có nhiều dự án bị chậm tiến độ chưa thể khởi công trong năm 2022 như dự kiến.

Theo nghị quyết của HĐND thành phố, trong năm 2022, Hải Phòng có 29 dự án trọng điểm (13 dự án sử dụng vốn ngân sách, 16 dự án vốn ngoài ngân sách) bao gồm 5 dự án dự kiến hoàn thành, 21 dự án dự kiến khởi công, 3 dự án trọng điểm từ năm 2021 chuyển sang.

Nhiều dự án chậm tiến độ

Trong 5 dự án trọng điểm dự kiến hoàn thành năm 2022, có 4 dự án hoàn thành đúng kế hoạch. Trong đó, có 3 dự án sử dụng vốn ngân sách gồm dự án đầu tư xây dựng cầu Rào 1 và chỉnh trang đường Lạch Tray (tổng mức đầu tư hơn 2.265 tỷ đồng), dự án đường Đông Khê 2 giai đoạn 1 (tổng mức đầu tư hơn 1.340 tỷ đồng), dự án cải tạo, nâng cấp đường 359 huyện Thuỷ Nguyên (tổng mức đầu tư hơn 1.819 tỷ đồng).

Một dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách là dự án chung cư HH1, HH2 tại phường Đổng Quốc Bình (quận Ngô Quyền) do CTCP Đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy làm chủ đầu tư theo hình thức BT (giá trị hơp đồng BT là hơn 1.200 tỷ đồng). Tới nay, dự án đã hoàn thành, được Bộ Xây dựng chấp thuận nghiệm thu từ tháng 6/2022.

Riêng dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 10 đoạn từ cầu Đá Bạc đến cầu Kiền sử dụng nguồn vốn ngân sách (tổng mức đầu tư hơn 1.653 tỷ đồng) dự kiến hoàn thành trong năm 2022. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, huyện Thuỷ Nguyên vẫn chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng nên không thể hoàn thành trong năm 2022 như kế hoạch.

Đối với 21 dự án trọng điểm được TP. Hải Phòng dự kiến khởi công năm 2022 (9 dự án sử dụng vốn ngân sách, 12 dự án vốn ngoài ngân sách), có 2 dự án sử dụng vốn ngân sách và 3 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách đã được khởi công. Còn 16 dự án chưa kịp khởi công nhưng đều đang được hoàn thiện thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư và các thủ tục khác có liên quan sau khi đã lựa chọn được nhà đầu tư.

Nổi bật nhất trong các dự án đã được khởi công là dự án đầu tư xây dựng cầu Bến Rừng (tổng mức đầu tư hơn 1.900 tỷ đồng), dự án tổ hợp trung tâm thương mại Chợ sắt (hơn 6.060 tỷ đồng), dự án đầu tư xây dựng các bến 3,4,5,6 cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (bến 3,4 tổng mức đầu tư hơn 6.946 tỷ đồng, bến 5,6 tổng mức đầu tư hơn 8.900 tỷ đồng).

Vì sao nhiều dự án trọng điểm ở Hải Phòng bị chậm tiến độ? - Ảnh 2.

Dự án trọng điểm bến số 5, 6 cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng đã được khởi công

Đối với 3 dự án trọng điểm chuyển tiếp từ năm 2021 sang, gồm dự án khu du lịch quốc tế Đồi Rồng, dự án xây dựng Khu cảng hàng hoá, bến phà, bến tàu khách, nhà máy sản xuất các sản phẩn du lịch, khu dịch vụ hậu cần du lịch tại đảo Cát Bà, dự án công viên chủ đề VinWonder Vũ Yên, các nhà đầu tư đã được bàn giao đất, đang triển khai dự án.

Riêng dự án đầu tư xây dựng chung cư Vạn Mỹ (quận Ngô Quyền) đã được phê duyệt có tổng mức đầu tư hơn 2.985 tỷ đồng vốn ngân sách, TP. Hải Phòng đang cân nhắc hướng xử lý. Sau khi dự án này được phê duyệt, tháng 4/2022, HĐND thành phố đã phê duyệt đề án nhà ở xã hội. Thành phố đang triển khai dự án khu nhà ở xã hội kết hợp bố trí nhà ở cho các hộ dân tại chung cư cũ. Vì vậy, việc đầu tư chung cư Vạn Mỹ sẽ được xem xét để phù hợp với chủ trương của thành phố về nhà ở xã hội.

Chậm do giải phóng mặt bằng

UBND TP. Hải Phòng nhận định các dự án trọng điểm năm 2022 chưa đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đã được HĐND thông qua vì nhiều lý do khách quan, trong đó chủ yếu do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, người dân chưa đồng thuận với chi phí đền bù, hỗ trợ được phê duyệt.

Có một số dự án sử dụng ngân sách nhà nước như dự án cầu Nguyễn Trãi (tổng mức đầu tư hơn 6.331 tỷ đồng), dự án đầu tư Trung tâm Chính trị - Hành chính tại KĐT mới Bắc sông Cấm (hơn 2.513 tỷ đồng), dự án Trung tâm Hội nghị - Biểu diễn tại khu đô thị mới Bắc sông Cấm (hơn 2.336 tỷ đồng) chưa kịp khởi công vì phải điều chỉnh chủ trương đầu tư. Có nhiều dự án phải thi tuyển phương án kiến trúc, trong đó có dự án cầu Nguyễn Trãi.

Có 5 dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố thuộc dự án nhóm A do cấp bộ thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi như dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 2 quy mô gồm cầu và đường (tổng mức đầu tư hơn 7.439 tỷ đồng) do vậy phải xin ý kiến các bộ để thống nhất đơn vị thẩm định. Một số dự án sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách nhưng thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng nên TP. Hải Phòng không chủ động được thời gian thẩm định trong bước báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo nghiên cứu khả thi.

Theo UBND TP. Hải Phòng, nguyên nhân nhiều dự án trọng điểm chậm tiến bộ còn do quy hoạch chung xây dựng TP chưa được phê duyệt điều chỉnh. Trong quá trình triển khai, một số chủ đầu tư, nhà đầu tư còn chưa tích cực trong công tác phối hợp giải quyết. Ngoài ra, còn do biến động giá vật tư, nguyên vật liệu, lãi suất ngân hàng tăng và vật liệu cát san lấp khan hiếm đã phần nào ảnh hưởng tới tiến độ thi công cũng như thực hiện thủ tục đầu tư của các dự án.

Với chủ đề năm 2023 là "Đẩy mạnh chỉnh trang hiện đại hoá đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số", UBND TP. Hải Phòng đề xuất danh mục dự án trọng điểm năm 2023 gồm 20 dự án. Trong số này, có 8 dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2023 và 10 dự án được dự kiến khởi công trong năm 2023 (4 dự án vốn ngân sách, 6 dự án vốn ngoài ngân sách).

Trong số 10 dự án trọng điểm Hải Phòng dự định khởi công trong năm 2023, có 4 dự án sử dụng vốn ngân sách gồm dự án Trung tâm Chính trị - Hành chính tại Khu đô thị mới Bắc sông Cấm (hơn 2.513 tỷ đồng), dự án Trung tâm Hội nghị - Biểu diễn tại Khu đô thị mới Bắc sông Cấm (hơn 2.336 tỷ đồng), dự án đường vành đai 2 tuyến Tân Vũ – Hưng Đạo – Bùi Viện (hơn 7.439 tỷ đồng) và dự án đầu tư xây dựng cầu Lại Xuân và cải tạo mở rộng đường tỉnh 352 (hơn 1.334 tỷ đồng).

Trong số 6 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách dự kiến khởi công trong năm 2023, ngoài dự án nhà ở xã hội (hơn 4.865 tỷ đồng) còn có 2 dự án KCN là dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN và khu phi thuế quan Xuân Cầu (11.100 tỷ đồng) và dự án xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Tiên Thanh (Hơn 4.597 tỷ đồng).


Mai Hoàng

Nhà đầu tư

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây