“Tránh thu hồi đất của dân làm chợ rồi ngày mai lại mọc ra...khu phố”

Thứ năm - 03/11/2022 06:03

Sáng nay 3/11, tại Kỳ họp thứ 4, các đại biểu Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Cân nhắc việc thu hồi đất cho dự án nhà ở thương mại

Đại biểu Trần Quốc Tuấn - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh đồng tình với một số nội dung nêu trong Điều 86 của dự thảo về các trường hợp thu hồi đất cụ thể, nhằm tạo thuận lợi trong thực hiện dự án cũng như sự ủng hộ của người dân đối với việc thu hồi đất. Tuy nhiên, đồng quan điểm của Ủy ban Kinh tế nêu trong báo cáo thẩm tra, ông đề nghị cơ quan soạn thảo hết sức cân nhắc việc quy định thu hồi đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại.

Ông cho rằng, việc thực hiện dự án nhà ở thương mại, mục tiêu đầu tiên mà chủ đầu tư hướng tới là lợi nhuận. Trong khi đó, dự thảo lại cho thu hồi để thực hiện dự án loại này có nguy cơ dẫn đến doanh nghiệp lợi dụng, kéo theo khiếu nại, khiếu kiện.

“Tránh thu hồi đất của dân làm chợ rồi ngày mai lại mọc ra...khu phố” - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn

Đại biểu đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, quán triệt tinh thần của Nghị quyết 18, đó là thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp đối với chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại.

Ông đề nghị các dự án có nguồn vốn tư nhân phải có quy định đánh giá tác động về mặt xã hội khi thu hồi đất của người dân, đảm bao minh bạch, tránh lạm dụng gây bức xúc đối với người bị thu hồi đất.

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Trà Vinh cũng đề nghị dự luật quy định rõ ràng hơn điều kiện, tiêu chí thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội đất nước. “Tránh trường hợp hôm nay thu hồi đất của người dân để xây chợ dân sinh. Nhưng ngày mai trong khu chợ lại mọc ra nhà, khu phố nằm trong khu chợ vừa xây dựng”, ông Tuấn nói đồng thời cho biết , thực trạng này đã xảy ra ở một số địa phương thời gian qua.

Bên cạnh đó, có trường hợp thu hồi đất để làm nơi chế biến nông sản, nhưng 10-15 năm sau, khu này không còn hoạt động, thì chuyển mục đích làm nhà ở hoặc khu dân cư có hợp lý, có gây bức xúc trong xã hội, gây khiếu nại khiếu kiện hay không?

“Anh vận động nhưng kiểu rất thiệt cho người ta”

Chia sẻ kinh nghiệm hơn 30 năm quản lý dự án, tư vấn cho Ngân hàng Thế giới, ADB và sau làm chủ đầu tư một số dự án về điện gió, điện mặt trời, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) nói “giải phóng mặt bằng của mình là không tốt, báo cáo giám sát về chống lãng phí cũng nêu, các dự án chậm là do giải phóng mặt bằng rất nhiều. Có nơi chậm giải phóng mặt bằng đến 5, 10 năm”.

Dự án cũng triển khai ở Việt Nam nhưng sử dụng nguồn vốn ODA, ngân hàng thế giới thì người ta làm rất khác. Họ thực hiện tái định cư ngay từ đầu và rất chuẩn chỉ và thời kỳ đầu chuẩn bị dự án hơi lâu một chút nhưng hiện tượng khiếu kiện từ dự án ấy rất ít.

“Họ quy định 2 cái bắt buộc là báo cáo đánh giá tác động môi trường và báo cáo xã hội tái định cư. Các báo cáo này phải được phê duyệt cùng với báo cáo khả thi thì dự án ấy mới được triển khai. Ở ta công tác tái định cư chủ yếu giao cho địa phương, cho nên có nhiều bất cập” – ông nói.

“Tránh thu hồi đất của dân làm chợ rồi ngày mai lại mọc ra...khu phố” - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân

Phân tích cụ thể trong dự thảo, ông Nguyễn Quang Huân băn khoăn Điều 92 quy định về tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng; quản lý, khai thác sử dụng quỹ đất đã thu hồi, nhưng lại giao Chính phủ quy định chi tiết. Trong khi đây là khởi đầu cho tái định cư và khiếu kiện cũng bắt đầu tư đầu tư khâu tổ chức thực hiện.

“Chúng ta đưa ra luật để mọi người bình đẳng với nhau, các cơ quan công quyền có khuôn pháp lý để dễ dàng thực hiện, nhưng lại giao Chính phủ quy định chi tiết điều này thì sẽ chẳng khác gì với trước”, ông Huân nêu quan điểm và đề nghị phải quy định rõ trong luật.

Hay Điều 93 quy định trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất, có khoản nêu, sau khi vận động, thuyết phục mà người dân không hợp tác thì cưỡng chế, theo ông là “rất nguy hiểm”.

“Anh vận động rất thiệt cho người ta. Ví dụ người dân đang sống gần nơi có kế sinh nhai, giờ chuyển người ta vào căn hộ rất đẹp nhưng người ta không có việc làm thì người ta không thể chuyển đi được. Mà khi người ta chưa chuyển đi, chưa tìm được công ăn việc làm mới mà tiến hành cưỡng chế thì nguy hiểm. Cái này là mất tính nhân văn và có thể phát sinh điểm nóng trên địa bàn” – ông Huân lưu ý.

Dự thảo có quy định về lập, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, nhưng cách thức vẫn theo tư duy từ đầu là “rất vội, rất gấp, rất nhanh” và khó có đủ thời gian để đánh giá hết rủi ro với người dân.

Từ đó, ông đề nghị cần có một đơn vị chuyên nghiệp đánh giá độc lập khu vực bị ảnh hưởng để bảo đảm thông tin minh bạch vì nguyên tắc là người dân bị thu hồi đất sau khi di dời có cuộc sống “ít nhất bằng, hoặc tốt hơn”.

“Nếu không đánh giá kỹ thì làm sao biết bằng hoặc tốt hơn để người ta nhận tiền đền bù? Có rất nhiều trường hợp, chúng ta đền bù, người dân nhận tiền xong tiêu hết, cuối cùng thì vô gia cư” – vị đại biểu đoàn Bình Dương nhấn mạnh./.

Theo Ngọc Thành

VOV.VN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây