Nới room tín dụng thêm 1,5-2% sẽ làm giảm việc "cắt lỗ" sâu, giảm nguy cơ “đóng băng” thị trường bất động sản

Thứ ba - 06/12/2022 10:03

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã quyết định tăng chỉ tiêu tín dụng (room) cho toàn hệ thống ngân hàng thêm khoảng 1,5 - 2%. Qua đó, nâng mức tăng trưởng tín dụng cho cả năm 2022 lên mức 15,5-16%.

Thống đốc NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ…các động lực tăng trưởng theo đúng chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Với việc nới thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng năm nay thêm 1,5-2%, ước tính quy mô tín dụng cho nền kinh tế có thể tăng thêm 156.000-200.000 tỷ đồng.

Thông tin này được đánh giá là tín hiệu tích cực cho đà phục hồi của nền kinh tế nói chung cũng như thị trường bất động sản nói riêng. Vậy thông tin này tác động như thế nào đến thị trường cũng như nhà đầu tư bất động sản?

Đưa ra góc nhìn về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Quê - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - cho rằng, toàn bộ nền kinh tế đang ở tình trạng nghẽn dòng tiền, khát vốn. Cho nên, việc Ngân hàng Nhà nước Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng thêm 1,5-2% là tín hiệu tích cực cho toàn bộ ngành nghề trong nền kinh tế nói chung cũng như thị trường bất động sản nói riêng. Đặc biệt, cả cá nhân nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp đều mang tâm lý hồ hởi.

Bên cạnh đó, nguồn vốn bổ sung lần này sẽ tác động tích cực ở góc độ tiêu dùng bởi thời điểm cận Tết người có nhu cầu vay tiêu dùng rất cao. Do đó, khi kinh tế phục hồi, tiền tệ lưu thông đương nhiên bất động sản cũng được tác động tích cực theo dạng tác động lan tỏa.

Ông Quê chia sẻ thêm: “Khi dòng tiền được cấp thêm và kỳ vọng được lưu thông sẽ tác động đầu tiên đến thị trường chứng khoán. Chúng ta chứng kiến trong 10 ngày qua thị trường chứng khoán phục hồi khá tốt, trong đó các mã bất động sản cũng tăng giao dịch lên nhiều. Điều này giúp các chủ đầu tư có vốn để họ triển khai kinh doanh cũng như là giữ vững đội ngũ cán bộ nhân viên, ngoài ra cũng có thêm tiền đóng thuế Nhà nước trong trường hợp đang chậm thuế”.

Đối với các nhà đầu tư vừa đầu tư bất động sản vừa đầu tư chứng khoán thì thông tin này giúp thị trường chứng khoán tích cực, kỳ vọng tiếp tục tăng lên. Khi đó, nhà đầu tư rút tiền từ chứng khoán đầu tư bất động sản bởi chứng khoán và bất động sản là bình thông nhau.

Phân tích kỹ hơn về tâm lý nhà đầu tư bất động sản, ông Quê cho rằng, việc NHNN nới room tín dụng hai lần vào tháng 9 và tháng 12, các nhà đầu tư bất động sản nhìn ra vấn đề Chính phủ đang có những tín hiệu “giải cứu” bất động sản.

“Nhà đầu tư lạc quan hơn và sẽ không rút khỏi thị trường ở thời điểm này. Thứ nhất, đối với nhà đầu tư không cắt lỗ lâu nay nhưng vẫn băn khoăn việc thị trường bất động sản sẽ trì trệ kéo dài thì có nên bán ra với giá thấp, thu hồi vốn đầu tư sang thị trường khác hay không? Thì, khi thấy tín hiệu như thế này, nhà đầu tư sẽ ở lại thị trường.

Thứ hai, đối với những nhà đầu tư đang phải gồng bởi lãi suất cao, lãi vốn cao, họ cũng phải cân đối, tính toán lại trong ngắn hạn 1-2 quý tới mà thị trường phục hồi thì có cố gắng, gắng gượng tiếp được nữa hay không và không bán cắt lỗ sâu”, ông Quê cho hay.

Tóm lại, ông Quê cho rằng, thông tin bổ sung nguồn vốn lần này tạo hiệu ứng tích cực cho thị trường và sẽ làm giảm việc cắt lỗ sâu, giảm nguy cơ khủng hoảng hay “đóng băng” thị trường.


Linh Phong

Nhịp sống thị trường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây