Những nội dung trọng tâm lấy ý kiến Luật Đất đai sửa đổi

Chủ nhật - 08/01/2023 04:03

1. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Chương V dự thảo Luật đã có những quy định đổi mới để nâng cao chất lượng của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ.

Nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã quy định khoanh định, bố trí không gian sử dụng đất theo 3 khu vực gồm khu vực quản lý nghiêm ngặt, khu vực hạn chế và khu vực được chuyển mục đích sử dụng đất.

Quy định kết hợp giữa chỉ tiêu sử dụng đất với không gian sử dụng đất và xác định vị trí, ranh giới, diện tích thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất đến từng thửa đất trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.

Quy định rõ các trường hợp điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất...

2. Thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư

Dự thảo Luật tại chương VI và chương VII đã quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và quy định rõ nội hàm dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (điều kiện, tiêu chí).

Đồng thời, quy định cụ thể hơn về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; thực hiện hiệu quả việc đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống cho người có đất bị thu hồi.

Những nội dung trọng tâm lấy ý kiến Luật Đất đai sửa đổi - Ảnh 1.

3. Phát triển quỹ đất

Thể chế hóa chủ trương của Nghị quyết số 18-NQ/TW về hoàn thiện tổ chức, bộ máy, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các tổ chức phát triển quỹ đất, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả, đủ năng lực tạo lập, quản lý, khai thác quỹ đất, thực hiện tốt nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Khai thác hiệu quả quỹ đất phụ cận các công trình kết cấu hạ tầng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, dự thảo Luật đã bổ sung chương VIII nhằm xây dựng cơ chế phát triển quỹ đất, bảo đảm sự chủ động của Nhà nước trong việc phân bổ đất đai theo quy hoạch, chủ động quỹ đất điều tiết thị trường, đấu giá quyền sử dụng đất để tăng thu cho ngân sách nhà nước.

4. Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất

Tại chương IX dự thảo Luật quy định các trường hợp giao đất, cho thuê không thông qua đấu giá quyền sử dụng, đấu thầu dự án có sử dụng đất; Trường hợp giao đất, cho thuê thông qua đấu giá quyền sử dụng, đấu thầu dự án có sử dụng đất; Trường hợp Nhà nước cho thuê trả tiền một lần cho cả thời gian thuê; Trường hợp thỏa thuận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư; Thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng; Chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số.

5. Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai

Thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW, thực hiện đăng ký bắt buộc về quyền sử dụng đất và mọi biến động đất đai, đồng thời có chế tài cụ thể, đồng bộ ngăn chặn các trường hợp giao dịch không đăng ký tại cơ quan Nhà nước.

Bảo đảm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững, dự thảo Luật tại chương X đã bổ sung các quy định nhằm phân định rõ trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong việc hoàn thành đăng ký đất đai đối với tất cả các thửa đất, tăng cường trách nhiệm của người sử dụng đất thông qua việc quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất, người được giao đất quản lý.

Quy định về đăng ký đất đai trên môi trường điện tử (đăng ký trực tuyến); quy định chế tài xử lý mạnh mẽ đối với chính quyền địa phương các cấp không thực hiện tổ chức đăng ký đất đai bắt buộc; đối với người sử dụng đất, người được giao đất quản lý không hoặc chậm thực hiện việc đăng ký, ngăn chặn các trường hợp giao dịch không thực hiện đăng ký (giao dịch ngầm).

Quy định rõ trách nhiệm trong từng khâu giải quyết thủ tục hành chính, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc đã xác lập các giấy tờ để làm thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất; bảo đảm quản lý, vận hành, kết nối và chia sẻ thông tin tập trung, thống nhất từ T.Ư đến địa phương.

6. Cơ chế, chính sách tài chính, giá đất

Tại chương XI dự thảo Luật quy định thời điểm tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; Trường hợp miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; Nguyên tắc, phương pháp định giá đất; Quy định về bảng giá đất được ban hành hàng năm (công bố công khai và áp dụng từ ngày 1/1 của năm) để đảm bảo giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường; Trường hợp áp dụng Bảng giá đất.

Những nội dung trọng tâm lấy ý kiến Luật Đất đai sửa đổi - Ảnh 2.

Luật Đất đai sửa đổi được lấy ý kiến rộng rãi từ ngày 3/1 đến hết ngày 15/3/2023.


7. Chế độ quản lý, sử dụng các loại đất

Thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW về mở rộng đối tượng, hạn mức nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp; tạo điều kiện để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; thương mại hóa quyền sử dụng đất; cơ bản thực hiện thuê đất trả tiền hàng năm...

Trong đó quy định: Cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm; Gia hạn thời hạn sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được Nhà nước giao đất, công nhận, nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp trong hạn mức; Mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; Mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa; Quy định đất có nguồn gốc nông, lâm trường; Tập trung, tích tụ đất nông nghiệp và đất sử dụng đa mục đích, sử dụng đất kết hợp.

8. Phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực

Thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, giải pháp của Nghị quyết số 18-NQ/TW, dự thảo Luật đã sửa đổi bổ sung chương XV theo hướng: Bổ sung quy định kiểm toán về đất đai, sửa đổi quy định về theo dõi và đánh giá đối với quản lý và sử dụng đất đai và trách nhiệm quản lý hệ thống theo dõi và đánh giá; bổ sung quy định về kiểm tra chuyên ngành đất đai nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với giám sát, kiểm soát quyền lực, đồng thời đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai

9. Hộ gia đình sử dụng đất

Dự thảo Luật quy định theo hướng bỏ đối tượng là hộ gia đình sử dụng đất vì hiện nay việc xác định các thành viên trong hộ gia đình còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến việc thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất mà trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ ghi tên của chủ hộ gia đình.

Quy định xử lý chuyển tiếp đối với trường hợp hộ gia đình đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận quyền sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành để đảm bảo đầy đủ quyền và nghĩa vụ cho các thành viên trong hộ gia đình.

Theo Ninh Phan

Tiền phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây