Nhiều doanh nghiệp bất động sản "sức khỏe" yếu nhưng lại muốn phát hành trái phiếu lớn để "ôm" dự án

Thứ sáu - 10/03/2023 06:03
Nhiều doanh nghiệp bất động sản sức khỏe yếu nhưng lại muốn phát hành trái phiếu lớn để ôm dự án - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu, Chủ tịch HĐQT GP Invest

Ông Nguyễn Quốc Hiệp cho biết: "Ngành xây dựng có liên quan mật thiết tới ngành bất động sản do đó nếu bất động sản ốm thì doanh nghiệp xây dựng còn ốm nặng hơn".

Có thể nói từ tháng 6/2022 khi doanh nghiệp bất động sản sa sút nghiêm trọng khiến doanh nghiệp nhà thầu cũng gặp khó. Ông Hiệp cho rằng có các nguyên nhân chính dưới đây.

Thứ nhất, trái phiếu đến đúng hạn trả nợ vào năm 2022 - 2023 với một lượng trái phiếu rất lớn. Niềm tin của thị trường tụt giảm nghiêm trọng trước những sai phạm trên thị trường trái phiếu. Vừa qua, Nghị định 08 ra đời khi thị trường đang ở mức “gay go”, chúng tôi cho rằng Nghị định này nhằm cứu thị trường khỏi sự sụp đổ chứ chưa thể cứu được toàn bộ thị trường trái phiếu và niềm tin vào thị trường. Đặc biệt, Nghị định chưa quy định được cụ thể bảo vệ được trái chủ một cách tốt nhất.

"Do đó, chúng tôi muốn kiến nghị, để phát hành trái phiếu thì phải tính đến room phát hành, bởi nếu không bệnh của doanh nghiệp là “tham quá”, tức là sức có 1 nhưng muốn làm đến 10. Sức khỏe yếu nhưng nhiều doanh nghiệp lại muốn phát hành trái phiếu lớn, muốn ôm dự án. Có những doanh nghiệp bất động sản mỗi năm ôm đến cả chục dự án lớn với hy vọng có thể phát triển được hết. Đây là bệnh trầm kha của doanh nghiệp", ông Hiệp nói.

Chủ tịch GP Invest cho rằng, doanh nghiệp cần phải biết lượng sức mình, nếu sức có thể gánh được 60kg thì chỉ cần cần gánh 40kg thôi mới có thể đi được đường dài. Đặc biệt với những khó khăn trên thị trường, doanh nghiệp cần phải tự cứu mình là tiết giảm lại kênh đầu tư, mức đầu tư sao cho phù hợp với sức khỏe của mình.

Thứ hai, tín dụng ngân hàng hiện nay vào bất động sản đã sụt giảm rất nhiều so với trước đây, bởi đã có những cảnh báo từ ngân hàng và thị trường. Do đó doanh nghiệp sẽ cân nhắc để vay tín dụng, thậm chí còn sợ vay.

Thứ ba, về pháp lý, dự thảo sửa đổi 3 luật tới đây không biết sẽ “cởi” hay “trói” lại doanh nghiệp.

"Do đó, chúng tôi dự báo khó khăn của thị trường bất động sản sẽ còn kéo dài tới năm 2024", ông Hiệp nhận định.

Về góc độ doanh nghiệp, ông Hiệp cho biết, các doanh nghiệp đang nỗ lực vượt khó, cố gắng giữ được tình trạng lành mạnh tài chính. "Tôi tin rằng, từng doanh nghiệp cũng đã đang và sẽ có phương án tự cứu mình trong bối cảnh hiện tại", ông Hiệp chia sẻ.

Phương Hoàng

Nhịp sống thị trường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây