Đó là chia sẻ của anh H, một nhà đầu lâu năm sống tại Đồng Nai. Sở hữu nhiều bất động sản trong tay, từ đất nền, căn hộ đến nhà phố, biệt thự anh H cũng như bao nhà đầu tư khác đang gặp khó khăn về thanh khoản. Đồng thời, dòng tiền gần như đang nằm trong tài sản, cạn tiền mặt. Tuy nhiên, điểm khác của anh H là có thể bán được bất động sản lúc thị trường tưởng chừng tắt giao dịch. “Có thể tôi có duyên và còn may mắn với bất động sản”, anh H cười cho hay.
Mới đây, anh H vừa bán được mảnh đất thổ cư tại khu vực xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai). Dù bán lỗ hơn 200 triệu đồng so với giá mua vào, nhưng theo anh H bán được lúc này được xem là may mắn. Với số tiền hơn 2 tỉ đồng, anh có thể tiếp tục “gồng” các bất động sản tiềm năng khác mà bản thân chưa muốn bán ra ở giai đoạn này.
“Lúc này, có tiếc hay giảm giá sâu cũng phải bán. Bán được bất động sản nào cứ bán. Bán lỗ cũng được, miễn sao có cái trang trải chi phí lãi vay và chờ được thị trường. Nếu càng cố giữ mà không có tiền mặt mới là nguy”, anh H chia sẻ.
Trước thực trạng nhiều bạn bè đầu tư của anh, muốn ra hàng cũng không có người mua, anh H xem mình là may mắn khi vẫn bán “lỗ” được mảnh đất. Trong các bất động sản đang nắm giữ, anh cho biết có một mảnh đất nông nghiệp tại Đồng Nai và một căn biệt thự tại Tp.Thủ Đức (Tp.HCM) là có sử dụng vốn vay ngân hàng. Vì thế, khi thị trường bất động sản gặp khó, việc quay vốn và trả nợ của anh bị “khựng lại”.
Khi được hỏi về bí kíp bán được hàng nhanh lúc thị trường khó khăn, anh H chia sẻ, một phần do may mắn, phần do mình tự “tìm kế” để đẩy được hàng. Điều này xuất phát từ mối quan hệ của mình với các nhà đầu tư có vốn tốt, với các môi giới bất động sản khu vực (các môi giới lâu năm có mối quan hệ rộng với các nhà đầu tư). “Mình chấp nhận chịu chi, chịu thiệt với mục đích ra được hàng. Có thể hiểu là bất chấp ra hàng để giải quyết công việc trước mắt của mình, không quan tâm quá vào phần giá bán hay lợi nhuận”, anh H chia sẻ.
Anh chấp nhận bán lỗ sâu so với thị trường? “có thể hiểu là như vậy. Thay vì đi vay tiếp để gồng các bất động sản tiềm năng, mình phải chấp nhận cơ cấu danh mục, cố bán bằng được tài sản để tiếp tục chờ thị trường. Phải linh hoạt lúc này thôi”, anh H chia sẻ.
Theo cách anh H giãi bày, kì vọng thị trường bất động sản hồi phục lại thì những chi phí mất đi sẽ được bù vào các bất động tiềm năng đang được giữ lại ở thời điểm này. Trong khi có khá nhiều nhà đầu tư vì “tiếc” mà không bán hoặc không chịu bán dưới mức lãi kì vọng. Điều này sẽ rất khó để họ đủ sức gồng các bất động sản còn lại, khi mà chưa rõ thời điểm chính xác thị trường phục hồi.
Ghi nhận cho thấy, ở giai đoạn này, không chỉ nhà đầu tư mới tham gia thị trường “đuối sức” mà các nhà đầu tư lâu năm, có nhiều bất động sản trong tay cũng trong tình thế “khó chồng khó”. Không phải ai cũng may mắn như trường hợp của anh H thoát được hàng lúc khó khăn. Nhiều nhà đầu tư rao bán tài sản hạ giá từ vài trăm triệu đến hàng nửa tỉ đồng mỗi sản phẩm vẫn khó chốt giao dịch lúc này.
Không ít trường hợp chấp nhận đi vay thêm, thậm chí đi vay “nặng lãi” để trả nợ các khoản vay ngân hàng đầu tư. Tình trạng cố “cầm cự” để chờ thời diễn biến càng nhiều trong giới đầu tư.
Chia sẻ về động thái của nhà đầu tư, chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cho rằng, phong trào cắt lỗ bất động sản gần như đã đạt 80-90%. Tuy vậy, các nhóm đầu tư vẫn đang cố gồng được ít nhất là 6 tháng tới để chờ các tín hiệu khả quan của thị trường. Thực tế, đã có một số nhà đầu tư “mon men” xem đất từ sau Tết, mặc dù quyết định xuống tiền chưa rõ ràng.
“Thị trường bất động vào cuối năm 2023 sẽ có tín hiệu tốt. Nhà đầu tư có dòng vốn ổn đang cố gắng tìm cách gồng và chờ thêm thị trường”, vị này cho hay.