Loạt tin vui, “mùa xuân” có đến sớm với thị trường bất động sản?

Thứ sáu - 23/12/2022 00:03

Loạt tín hiệu tích cực

Những ngày cuối năm 2022, thị trường bất động sản đón hàng loạt các thông tin tích cực. Cụ thể, ngày 10/12/2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định nới room tín dụng năm 2022 thêm 1,5-2% để có thêm khoảng 240.000 tỷ đồng cộng “bơm” vào nền kinh tế. Việc nới room tín dụng trong lúc thị trường “khát” vốn đã phần nào giải tỏa được “cơn khát” của doanh nghiệp. Đồng thời, cũng tác động đến tâm lý của các nhà đầu tư bất động sản.

Tiếp đó, trong cuộc họp của Chính phủ về điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa cuối năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu NHNN, các tổ chức tín dụng rà soát các dự án bất động sản để hỗ trợ các dự án đủ điều kiện, có chính sách hỗ trợ người dân mua nhà ở xã hội.

Mới đây nhất, Bộ Tài chính cũng trình Chính phủ giải pháp “cứu” thị trường trái phiếu. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất giãn thời gian thực hiện trong vòng một năm, tức là từ ngày 1/1/2024 sẽ tiếp tục thực hiện quy định về xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại nghị định 65.

Nghị định 65 quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải đảm bảo danh mục nắm giữ có giá trị trung bình 2 tỷ đồng tối thiểu trong 180 ngày, không bao gồm tiền đi vay.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng kiến nghị Chính phủ cho phép giãn thời gian thực hiện một năm đối với quy định yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc tại nghị định 65. Động thái này cũng tác động tích cực lên thị trường bất động sản bởi các doanh nghiệp bất động sản lớn trên thị trường đều có khối lượng phát hành trái phiếu không hề nhỏ.

Ông Nguyễn Anh Quê - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - cho rằng, toàn bộ nền kinh tế đang ở tình trạng nghẽn dòng tiền, khát vốn. Cho nên, việc Ngân hàng Nhà nước Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng thêm 1,5-2% là tín hiệu tích cực cho toàn bộ ngành nghề trong nền kinh tế nói chung cũng như thị trường bất động sản nói riêng. Đặc biệt, cả cá nhân nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp đều mang tâm lý hồ hởi.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng ngân hàng BIDV nhận định động thái nới room lần này sẽ góp phần tháo gỡ phần nào những vướng mắc của thị trường thời gian qua, là động lực giúp thị trường bất động sản ấm dần lên.

Kỳ vọng "mùa xuân" sẽ đến sớm?

Trước những động thái tích cực diễn ra những ngày qua, phía nhà đầu tư cũng đã lạc quan hơn về thị trường. Nhà đầu tư Nguyễn Xuân Lâm (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ quyết định dừng rao bán hai lô đất nền đầu tư hồi đầu năm ở Thuận Thành (Bắc Ninh).

Nhà đầu tư này cho hay: “Hồi tháng 3/2022, mua vào hai lô đất với giá 1,9 tỷ đồng và 2 tỷ đồng với mục đích “lướt sóng” nhưng không ngờ thị trường đi xuống. Do đó, tôi đã rao bán với giá mua vào lúc thị trường hưng phấn cốt để thu lại vốn đầu tư do số vốn này có sử dụng đòn bẩy. Tuy nhiên, trò đời khi thị trường xuống dù giá có rẻ cũng không ai bỏ tiền ra mua vì nghĩ giá còn tiếp tục giảm. Đến nay, hai lô đất đó vẫn chưa bán được. Thế nhưng, sau những động thái mới đây của phía Nhà nước, tôi quyết định dừng bán và cố gồng chờ thị trường ấm lên”.

Không riêng gì anh Lâm, những nhà đầu tư khác cũng mang tâm lý lạc quan, hồ hởi dù họ cho rằng thị trường có thể chưa hồi phục ngay nhưng về lâu dài với việc nới room tín dụng dòng tiền sẽ sớm trở lại với bất động sản.

Anh Nguyễn Xuân Huy - môi giới phân khúc nhà ở khu vực Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ, thời gian qua do lãi suất tăng cao đã làm giảm nhu cầu mua nhà của người ở thực. Nhiều người lo ngại không thể chi trả được lãi vay nên dừng lại kế hoạch mua nhà. Việc này đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi giới. Nhiều anh em đã nghỉ Tết sớm hơn tháng nay vì có tiếp tục hỗ trợ khách hàng thì cũng không có chốt được ở giai đoạn nay.

“Với thông tin các tổ chức tín dụng có chính sách hỗ trợ người dân mua nhà, tôi nghĩ tình hình thị trường ở phân khúc nhà ở sẽ được cải thiện”, anh Huy chia sẻ.

Theo giới chuyên gia địa ốc nhận định, về bản chất, thị trường bất động sản vẫn là kênh đầu tư thu hút dòng tiền, đặc biệt người có sẵn tiền mặt luôn có xu hướng chọn bất động sản làm kênh trú ẩn khi thị trường biến động. Tuy nhiên, cái khó lớn nhất của thị trường địa ốc thời gian qua là dòng vốn bị tắc nghẽn, pháp lý dự án bị siết chặt, dẫn đến mất thanh khoản. Bởi vậy, khi các nút thắt này được tháo gỡ, thị trường sẽ bật mạnh trở lại.

Bên cạnh đó, giới chuyên gia kỳ vọng thị trường sẽ có khả năng hồi phục trong năm 2023, cụ thể là giai đoạn quý III, IV của năm.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), động thái nới room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước là tín hiệu tích cực cho đà phục hồi của nền kinh tế nói chung, thị trường bất động sản nói riêng. Nguồn tín dụng bổ sung này sẽ tác động lan tỏa đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp để vượt qua khó khăn hiện nay, từ đó giảm bớt áp lực cho các tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, trong năm 2023, hành lang pháp lý điều chỉnh lĩnh vực bất động sản sẽ hoàn thiện hơn khi một loạt dự án luật sửa đổi liên quan dự kiến được thông qua như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản... Hiện tại, các dự thảo đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi cho thấy sẽ có nhiều thay đổi lớn tác động trực tiếp đến môi trường kinh doanh bất động sản.


Phương Hoàng

Nhịp sống thị trường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây