Hàng ngàn căn hộ tái định cư bỏ hoang ở Hà Nội và TP HCM

Thứ hai - 31/10/2022 03:03

Ngày 31-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV thảo luận, cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021.

Trình bày báo cáo, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho biết việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 đã đạt được những kết quả rất quan trọng, tích cực, song hành với kết quả to lớn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách...

Hàng ngàn căn hộ tái định cư bỏ hoang ở Hà Nội và TP HCM - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường

Về các tồn tại, hạn chế, ông Nguyễn Phú Cường cho biết qua giám sát cho thấy có hàng ngàn dự án chậm tiến độ và có xu hướng tăng lên qua các năm. Tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương năm 2016 có 1.448 dự án chậm tiến độ, năm 2017 là 1.609 dự án, năm 2018 là 1.778 dự án, năm 2019 là 1.878 dự án, năm 2020 là 1.867 dự án, năm 2021 là 1.962 dự án, trong đó hầu hết dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm đều chậm tiến độ.

Hàng ngàn dự án phải điều chỉnh quyết định đầu tư, có dự án điều chỉnh nhiều lần, tổng mức đầu tư điều chỉnh cao gấp nhiều lần so với tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu. Hàng trăm dự án vi phạm thủ tục đầu tư.

"Hàng ngàn dự án có thất thoát, lãng phí. Trong đó, năm 2016 là 590 dự án, năm 2017 là 840 dự án, năm 2018 là 422 dự án, năm 2019 là 125 dự án, năm 2020 là 923 dự án, năm 2021 là 185 dự án. Liên quan đến các dự án, đã có nhiều trường hợp phải xử lý hình sự, đã xét xử"- ông Nguyễn Phú Cường cho hay.

Đáng chú ý, một số địa phương đã chú trọng, quyết liệt xử lý thu hồi được nhiều dự án treo, dự án chậm tiến độ như Ninh Bình (725 dự án), Đồng Nai (376 dự án) Quảng Ngãi đã chấm dứt hiệu lực thực hiện nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ đề xuất đầu tư 296 dự án; Bình Dương (289 dự án), Kiên Giang (206 dự án) Hậu Giang (141 dự án)...

Báo cáo giám sát cũng cho thấy việc quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ và công trình phúc lợi công cộng tại một số bộ, ngành, địa phương không đúng quy định, chưa hiệu quả; sử dụng sai mục đích, lãng phí; sắp xếp chậm, chưa xử lý dứt điểm tình trạng bị lấn chiếm, tranh chấp kéo dài nhiều năm.

Nhiều nhà, căn hộ tái định cư chưa đưa vào sử dụng hoặc không còn nhu cầu sử dụng, bỏ hoang, đang xuống cấp nghiêm trọng. Cụ thể, Hà Nội vẫn còn 1.947 số căn hộ trống/17.863 căn nhà tái định cư chưa có quyết định bán nhà; 489 căn hộ chưa có phương án bố trí; TP HCM cũng có hàng ngàn căn hộ tái định cư ở các dự án đang bỏ hoang, thưa thớt người ở, 1.274 căn hộ và 1.303 nền đất dùng làm quỹ dự phòng, có gần 5.000 căn hộ và nền đất đang làm thủ tục bán đấu giá.

Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ thống kê đầy đủ các trường hợp vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà, đất, tài sản công, các công trình phúc lợi công cộng, trong đó lưu ý thống kê đầy đủ các dự án nhà ở tái định cư được hình thành nhưng đến nay bỏ hoang, không đưa vào sử dụng; diện tích kinh doanh dịch vụ tầng 1 các nhà chung cư tái định cư.

Hàng ngàn dự án thuộc đối tượng nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, nhưng chưa quan tâm xử lý, thu hồi. Theo báo cáo chưa đầy đủ của 61/63 tỉnh, thành phố, tính đến ngày 31-12-2021, có 908 dự án có khó khăn, vướng mắc với diện tích là 28.155 ha chậm hoặc chưa đưa đất vào sử dụng, nhưng mới xử lý thu hồi đất và chấm dứt hoạt động 172 dự án với diện tích là 6.922 ha; chưa xử lý 404 dự án với diện tích là 18.308 ha.

Bên cạnh đó, tỉ lệ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công thấp, đặc biệt là vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài giải ngân rất chậm, nhiều dự án phải gia hạn thời gian hoàn thành, giảm hiệu quả sử dụng vốn vay. Nhiều dự án dở dang, dừng thực hiện dự án hoặc thi công đến điểm dừng kỹ thuật, nhưng chậm hoặc chưa kịp thời rà soát, cắt giảm, gây thất thoát, lãng phí.

Báo cáo giám sát cũng nêu rõ công tác cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2016 - 2020 rất chậm, còn nhiều bất cập. Giai đoạn 2016 - 2020, cổ phần hóa, thoái vốn chỉ đạt 30% kế hoạch. Vốn nhà nước đầu tư tại một số doanh nghiệp chưa được bảo toàn. Nhiều dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp còn thua lỗ, thất thoát, lãng phí.

Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ tăng cường công tác quản lý, khai thác, sử dụng đất, tài nguyên, khoáng sản, kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế, bảo đảm khai thác tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, giảm thiểu thất thoát, lãng phí, tác động tiêu cực đến môi trường.

Trong năm 2022 và quý I năm 2023, hoàn thành việc phê duyệt và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030. Rà soát các dự án, kiến nghị liên quan đến đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án có khó khăn, vướng mắc trong cả nước.

Đề nghị Chính phủ đề xuất các giải pháp để xử lý các khó khăn, vướng mắc này và các dự án sử dụng đất chậm tiến độ theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư để sớm đưa các dự án vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả, không gây thất thoát, lãng phí.

Theo Minh Chiến

Người lao động

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây