Cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội: Làm sao để hài hoà lợi ích các bên?

Thứ sáu - 21/10/2022 06:03

Hà Nội sẽ hoàn thành di dời 6 chung cư cũ thuộc nguy hiểm cấp độ D trong tháng 10. Hà Nội cũng vừa bổ sung 2 chung cư cũ vào Danh mục nhà chung cư thuộc trường hợp phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại. Đó là Khu tập thể Hóa chất và Khu tập thể Rau quả nông sản tại quận Long Biên. 100% các chủ sở hữu căn hộ tại hai chung cư này đã thống nhất về chủ trương "đập đi làm lại". Nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn về việc lựa chọn chủ đầu tư đủ năng lực để thực hiện dự án.

Hiện đã có 70 đơn vị quan tâm tới việc cải tạo xây mới chung cư cũ ở Hà Nội. Đây không phải lần đầu tiên HN quyết tâm cải tạo chung cư cũ. Nhưng liệu lần này có thể vượt qua vấn đề bế tắc bao năm nay, đó là: hài hòa lợi ích 3 bên là Chủ đầu tư, Người dân và Nhà nước?

Hiện Sở Xây dựng Hà Nội đã có danh sách các đơn vị quan tâm tới việc cải tạo xây mới chung cư cũ. Nhưng muốn triển khai thì phải đảm bảo cùng lúc cả 3 tiêu chí: chủ đầu tư làm nhà phải có lãi; người dân phải đạt được các thỏa thuận về hệ số đền bù; chính quyền đảm bảo việc cải tạo sẽ thay đổi diện mạo thành phố theo hướng tích cực.

Ông Mạc Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Xây dựng, TP. Hà Nội cho hay: "Sở Xây dựng cùng các sở ngành và tổ công tác của TP Hà Nội đang xây dựng bộ tiêu chí về công tác lựa chọn các chủ đầu tư đủ về năng lực, về kinh nghiệm, về khả năng tài chính, về tình hình thực hiện dự án. Và đặc biệt là chúng tôi có những tiêu chí cụ thể cho từng dự án, cho Thủ đô khang trang hiện đại văn minh hơn. An sinh xã hội và điều kiện sống của người dân sẽ tốt hơn".

Hà Nội có hơn 1.500 chung cư cũ, đa số được xây dựng từ năm 1960 đến 1994; hầu hết đều đã hết niên hạn sử dụng, xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sụp đổ và không đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người dân. Nhưng gần 20 năm qua, chỉ hơn 1% nhà chung cư cũ ở Hà Nội được cải tạo xây mới.

Qua thống kê của Sở Xây dựng, Hà Nội có trên 1.500 nhà chung cư cũ có quy mô từ 2 - 6 tầng, chủ yếu xây dựng từ những năm 1960 đến cuối những năm 1980, tập trung chủ yếu ở khu vực nội đô các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa…

Hiện có khoảng 200 nhà chung cư cũ xác định ở mức độ nguy hiểm cấp C; 137 nhà cấp B; và 7 nhà thuộc diện cấp D (đặc biệt nguy hiểm). Tuy nhiên, từ năm 2007, TP.Hà Nội mới chỉ cải tạo được 18 nhà chung cư cũ.

Cuối năm 2021, UBND TP.Hà Nội đã ra quyết định ban hành Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn. Theo đó, giai đoạn từ 2021 - 2025 sẽ lựa chọn 10 khu chung cư cũ để cải tạo. Trong đó, đợt 1 sẽ ưu tiên cải tạo các khu chung cư cũ ở Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, tập thể Bộ Tư pháp... với kinh phí dự kiến hơn 60.000 tỉ đồng.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, 14/15 quận huyện của thành phố đã có kế hoạch, tiến độ chi tiết cải tạo xây mới các chung cư cũ. Trong Quý 4 năm sau, thành phố sẽ hoàn thành việc kiểm định hơn 1.500 chung cư cũ theo đúng tiến độ.

Các nhà quy hoạch cho rằng: Cần phải làm đồng bộ từng khu vực, tránh trường hợp chủ đầu tư chọn những vị trí "đắc địa" để làm trước. Khi đó, việc cải tạo chung cư cũ để chỉnh trang bộ mặt đô thị sẽ khó thành công bởi sự lộn xộn ngay trong chính dự án, có nguy cơ hình thành khu nhà nhếch nhác không bao giờ giải quyết được.

Mục tiêu cần đặt ra là kiến tạo lại tại các vị trí này những khu đô thị mới hiện đại; thậm chí, tạo ra giá trị mới, cao hơn chứ không chỉ là đập bỏ cái cũ.

KTS Trần Huy Ánh - Uỷ viên Thường trực Hội Kiến trúc sư Hà Nội sẽ cùng bàn luận sâu hơn để làm rõ vấn đề này.

Theo Ban Thời sự

VTV.VN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây