Bộ Xây dựng đề xuất bỏ quy định bắt buộc chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại dành 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội

Thứ ba - 13/12/2022 07:03

Bộ Xây dựng đề xuất bỏ quy định yêu cầu bắt buộc chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành 20% quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. (Ảnh: Int)

Theo Bộ Xây dựng, tính đến nay trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn, với tổng diện tích hơn 7.790.000 m2. Hiện đang tiếp tục triển khai 401 dự án với quy mô xây dựng khoảng 454.360 căn có tổng diện tích khoảng 22.718.000 m2.

Trong đó, có 245 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân quy mô 300.000 căn hộ đang trong trạng thái chờ thực hiện thủ tục đầu tư và 156 dự án quy mô gần 157.000 căn hộ đang đầu tư xây dựng.

Thực tế cho thấy, nhà ở xã hội đang là một vấn đề bức thiết cho người lao động có thu nhập thấp, công nhân trong các khu công nghiệp. Hiện nhiều chủ đầu tư “bỏ quên” 20% đất trong dự án thương mại để xây nhà ở xã hội, chỉ số ít chủ đầu tư quan tâm đến phát triển loại hình nhà này.

Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao Savills Hà Nội cho hay, trước đó, Nghị định 100/2015 về nhà ở xã hội đã quy định quỹ đất 20% nhưng chưa được phát huy một cách thực sự tốt. Theo bà Hằng, vấn đề này liên quan đến thủ tục hoặc về những kỳ vọng lợi nhuận dẫn đến việc được triển khai ở nhiều dự án chưa phổ biến.

“Cần nhìn nhận thực tế là nhà ở xã hội sẽ có những nhu cầu đối với người mua, trong khi đó nhà ở thương mại không có nhiều ràng buộc, khó lòng cân đối ở trong cùng một dự án”, bà Hằng chia sẻ.

Bà Hằng cho biết thêm, nhà ở xã hội trước đây bị “kìm giá” bởi các gói hỗ trợ, bên cạnh đó nhà ở xã hội cũng có giá rẻ hơn nhà ở thương mại, về tiện ích, hạ tầng cũng có sự khác biệt. Điều đó tác động đến bài toán về mặt bằng chung của giá nhà ở khu vực dự án.

Trước những bất cập trên, nhiều cử tri kiến nghị đến quỹ đất 20% nhà ở xã hội, trả lời vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết, hiện đã được Chính phủ giao chủ trì nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014, trong đó có nội dung về quỹ đất phát triển loại hình nhà ở này.

Theo đó, Bộ Xây dựng đề xuất phương án bỏ quy định yêu cầu bắt buộc chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành 20% quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Thay vào đó, Bộ yêu cầu bổ sung quy định việc bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội là trách nhiệm của UBND cấp tỉnh.

UBND cấp tỉnh căn cứ vào chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương trong từng thời kỳ phải bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội.

Bộ Xây dựng cho biết, nhiều kiến nghị liên quan đến mô hình dự án nhà ở xã hội tập trung (dự án nhà ở xã hội độc lập, quy mô lớn) sẽ được tiếp tục nghiên cứu, đề xuất trong quá trình Dự thảo Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Luật Nhà ở (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam chia sẻ, việc phát triển nhà ở xã hội là hướng đến sản phẩm bình dân, nhưng đất ở nội đô hoặc vùng gần trung tâm thành phố thường là “đất vàng”, “đất kim cương”, rất khan hiếm, giá cao, nên không dễ làm nhà ở xã hội. Theo ông, thay vì áp đặt, nên điều chỉnh quy định theo hướng phù hợp với phát triển nhà ở xã hội sao cho thuận tiện nhất để mọi thành phần đều có thể chủ động.

Cụ thể, doanh nghiệp đầu tư có thể xây dựng nhà ở xã hội tại dự án nếu muốn, hoặc được đề xuất hoán đổi quỹ đất xây nhà ở xã hội có giá trị tương đương tại vị trí khác, hoặc có thể lựa chọn việc thanh toán bằng tiền cho Nhà nước theo giá thị trường. Tuy nhiên, khoản tiền hoán đổi 20% quỹ đất xây nhà ở xã hội cần tách bạch vào một tài khoản riêng, hoặc được hạch toán riêng để dùng vào việc xây dựng nhà ở xã hội, chứ không nên hòa chung vào vốn ngân sách như hiện nay.

“Nhà nước cần ưu tiên dành quỹ đất ở vùng ven đô thị quy hoạch thành đô thị lớn 5 - 10 ha có đủ hạ tầng cơ bản, đồng thời bố trí quỹ đất phát triển nhà ở công nhân ở các khu công nghiệp”, ông Đính nhấn mạnh.



Theo Hải Sơn

Nhịp sống thị trường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây